Công nhân góp 1.000 đồng giúp đồng nghiệp
Nhận 60 triệu do đồng nghiệp góp tặng, chị Nguyễn Kim Liên, công nhân nhà máy Chang Shin, huyện Vĩnh Cửu, giảm nỗi lo chi phí ở những đợt hóa trị tới.
Chị Liên, 51 tuổi, có 19 năm gắn bó với Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam. Đầu năm 2021, chị thường xuyên đau tức vùng bụng dưới. Đi khám ở bệnh viện, bác sĩ phát hiện chị có khối u buồng trứng, nghi ngờ ung thư nên yêu cầu nhập viện, mổ ngay. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh của chị ở giai đoạn hai. Được bảo hiểm y tế chi trả 80% và số tiền tạm ứng cho ca phẫu thuật chưa đến chục triệu đồng, nhưng gia đình khó khăn phải vay mượn khắp nơi.
Chị Kim Liên quay lại với công việc, sức khỏe ổn định sau ca mổ. Ảnh: An Phương
"Lúc tôi nhập viện, trong nhà không có đủ một triệu đồng", chị Liên nói. Gia đình có hai người nhưng chồng chị sức khỏe kém phải ở nhà nhiều năm qua. Mọi chi tiêu đều trông vào suất lương 10 triệu đồng của chị. Ăn uống hàng ngày, thuốc thang lại thêm khoản nợ xây nhà nên không không có dư. Ngày xuất viện, nghe bác sĩ dặn phải ăn uống bồi dưỡng, tái khám, vào thuốc hóa trị định kỳ, chị Liên càng thêm lo lắng bởi số tiền vay mượn đã hết.
Trong lúc chị Liên điều trị ở bệnh viện, tại nhà máy đồng nghiệp cùng góp tiền để giúp nữ công nhân vượt qua cơn hoạn nạn. Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Chang Shin Việt Nam, nói số tiền quyên góp là tự nguyện, nhưng với 42.000 lao động, chỉ cần mỗi người góp một nghìn đồng cũng được hàng chục triệu.
"Công nhân vốn không có tích lũy nên với họ đó là số tiền rất lớn", ông Tú nói, cho biết thêm sau 13 năm công nhân ở Chang Shin đã quyên góp được hơn 11 tỷ đồng giúp đỡ 327 trường hợp có thêm kinh phí chữa bệnh.
Tại Công ty Chang Shin, mỗi khu sản xuất đều có cán bộ công đoàn nên nắm được thông tin trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo cần giúp đỡ. Ban chấp hành công đoàn sẽ cử người về tận nhà hoặc bệnh viện xác nhận hoàn cảnh. Khâu thẩm định bệnh có sự tham gia của bác sĩ làm việc tại phòng khám công ty. Sau khi thống nhất, công đoàn sẽ gửi thông tin cho nhà máy, thông báo ngày quyên góp, và công bố số tiền nhận được để sớm giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Vị cán bộ công đoàn lâu năm cho biết thêm, ngoài giúp đồng nghiệp mắc bệnh hiểm nghèo, công nhân Chang Shin tương trợ những lao động không may qua đời. Những trường hợp có con nhỏ, công đoàn đề nghị gia đình lập sổ tiết kiệm để dành đến khi con 18 tuổi để trao lại. Hiện, mỗi trường hợp tử vong, gia đình nhận được gần 300 triệu đồng.
Cách nhà máy Chang Shin hơn 26 km, chị Vũ Thị Thanh Thúy, 48 tuổi, 16 năm gắn bó với Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo) vừa trở lại với công việc sau ca mổ tim thành công.
Sau ca phẫu thuật tim, chị Thúy (phải) được sắp xếp công việc nhẹ nhàng hơn. Ảnh: An Phương
Nữ công nhân biết mình bị hẹp van tim hơn chục năm nay nhưng chần chừ không phẫu thuật vì sợ "nếu có chuyện gì không ai nuôi hai đứa con". Năm ngoái, thường xuyên ngất xỉu, không thể trì hoãn được nữa nên chị nhập viện điều trị. Sau khi được bảo hiểm thanh toán một phần, số tiền còn lại chị phải trả hơn 170 triệu đồng. Biết chi phí mổ tim rất cao nên nhiều năm qua chị cố để dành nhưng chỉ được gần 40 triệu đồng, số còn lại phải vay mượn người thân.
Để giúp đỡ chị Thúy, công đoàn Pou Sung mở đợt quyên góp toàn nhà máy và nhận được sự đồng tình của hơn 23.000 công nhân. Với số tiền nhận được gần 60 triệu đồng, chị dành toàn bộ để trả nợ. Sau ca mổ chị Thúy được sắp xếp công việc nhẹ nhàng hơn. Nữ công nhân hiện còn nợ mấy chục triệu, song không đáng lo vì mức lương căn bản mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, chị trích lại một ít trả dần.
Tại Pou Sung, công nhân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau được duy trì hơn 15 năm qua. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó chủ tịch công đoàn công ty, cho biết thời điểm nhà máy mới thành lập, đời sống người lao động còn nhiều vất vả. Công nhân ngoại tỉnh không chỉ lo tiền ăn, nhà trọ còn phải gửi về quê giúp đỡ gia đình nên gần như không có tích lũy.
Một lần, công đoàn Pou Sung xuống thăm trường hợp không may mắc bệnh hiểm nghèo nhưng trong căn phòng tềnh toàng không có một hộp sữa để bồi dưỡng. Thời điểm đó, kinh phí công đoàn còn hạn hẹp nên không thể trợ giúp nhiều hơn cho công nhân. Một người trong nhóm đề xuất vận động toàn bộ nhà máy đóng góp giúp đỡ công nhân gặp khó khăn.
Công đoàn Công ty Chang Shin về quê trao tiền quyên góp cho gia đình công nhân. Ảnh: An Phương
Ông Dũng cho hay năm 2005, doanh nghiệp có hơn 3.000 lao động, chỉ cần mỗi người góp một nghìn đồng, số tiền nhận được đã ba triệu đồng, gấp 6 lần tháng lương căn bản, đủ để người bệnh bồi dưỡng, thuốc thang. Đến năm 2010, lao động của nhà máy tăng lên 23.000 người, đời sống khá hơn, tiền đóng góp tùy thuộc vào điều kiện công nhân. Riêng với những trường hợp người lao động không may qua đời, công đoàn đề nghị giữ nguyên mức một nghìn đồng.
"Với công nhân, nhà máy tính lương thiếu một nghìn là có chuyện lớn nhưng họ sẵn sàng bỏ ra 100.000 đồng để giúp đỡ đồng nghiệp", ông Dũng nói. Đến nay, đã có 277 trường hợp ở Pou Sung mắc bệnh hiểm nghèo được giúp đỡ với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhận định hiện thu nhập của đại đa số công nhân còn thấp, rất ít người có tích lũy phòng khi ốm đau. Do đó, việc các công đoàn cơ sở đứng ra vận động công nhân quyên góp, chỉ cần 1-2 nghìn đồng nhưng với số lượng lớn "tích tiểu thành đại", giúp người khó khăn qua hoạn nạn. Ngoài Pou Sung, Chang Shin, một số nhà máy đông lao động khác như Pou Yuen (TP HCM), Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa I)... cũng có chương trình tương tự với tinh thần "nhường cơm sẻ áo".
Ccông đoàn các cấp cũng có nhiều chương trình hỗ trợ công nhân như chương trình trái tim nghĩa tình, giúp người lao động có kinh phí mổ tim của công đoàn TP HCM; Bình Dương lập riêng quỹ hỗ trợ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em là con của công nhân mất do Covid-19 được công đoàn các địa phương tặng số tiết kiệm...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận