Công nhân đón Tết ở nhà máy
Thu nhập 10 ngày làm Tết gần một tháng lương, vợ chồng anh Nhiệm quyết định đón năm mới ở nhà máy, kiếm tiền bù một năm cả nhà là F0, nghỉ việc kéo dài.
Anh Đoàn Trần Nhiệm, quê Bình Định và vợ - chị Nguyễn Thị Thu Trà, quê Hưng Yên, đều là công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Cưới nhau 10 năm, có hai mặt con, đây là lần thứ 3 gia đình ăn Tết xa quê. "Hai lần trước không về quê vì vợ vừa sinh con, năm nay tiền bạc eo hẹp quá", nam công nhân nói lý do ở lại thành phố.
Anh Nhiệm đưa hai con đi chơi chợ Tết ở TP Thủ Đức. Ảnh: An Phương
Hồi giữa tháng 7 năm ngoái, chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp "vừa sản xuất, vừa cách ly", anh Nhiệm quyết định vào nhà máy thực hiện "3 tại chỗ". Vợ anh phải tạm nghỉ việc, ở nhà trông hai con khiến thu nhập của gia đình giảm một nửa. Khi thành phố dừng giãn cách, cả nhà lần lượt nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị dài ngày. Mãi đến đầu năm nay, chị Trà mới trở lại công ty.
Một tháng trước nhà máy thông báo sẽ tổ chức sản xuất xuyên Tết. Trong 10 ngày, sẽ có 5 ngày tiền lương được tính 300%, số ngày còn lại công ty trả 200%. Ngoài ra, mỗi ngày làm việc, công ty tặng thêm 200.000 đồng. Không mất thời gian bàn tính nhiều, vợ chồng anh Nhiệm đăng ký tham gia. Do anh chị đi ca ngày – đêm ngược nhau nên vẫn đảm bảo có người trông con.
Cách Tết 10 ngày, nhà máy chi trả lương tháng 13, hai vợ chồng nhận tổng cộng gần 20 triệu đồng. Có tiền, chị Trà ra chợ sắm cho con mấy bộ quần áo mới. Người mẹ trẻ mua thêm ít bánh kẹo, nấu một nồi thịt kho tàu, cặp bánh chưng để cả nhà mừng năm mới. Tranh thủ những hôm làm ca ngày, tối được nghỉ anh chở hai con lên chợ hoa, nhà thiếu nhi vui chơi. Mùng 1 Tết, anh chị trùng lịch nghỉ chuyển ca, cả nhà đến một số điểm vui chơi của TP Thủ Đức vui Xuân.
"Vợ chồng tôi chẳng ngại vất vả, chỉ sợ hai đứa nhỏ buồn vì không được đi chơi như bạn bè nên cố gắng để có một ngày Tết cho con", nam công nhân nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy Nga, 30 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV) ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), cũng cố gắng lo chu toàn cho gia đình để yên tâm tham gia sản xuất trong những ngày nghỉ Tết.
Chị Nga sống cùng mẹ và 2 anh trai ở huyện Nhà Bè. Một tuần trước Tết, nhận tháng lương 13 gần 12 triệu đồng, chị ghé chợ mua bánh mứt, đặt ít giò chả, bánh chưng. Nữ công nhân cũng không quên mua tặng mẹ bộ áo quần mới. 28 tháng Chạp, tranh thủ ngày chủ nhật, chị đưa mẹ đi mua vài giỏ hoa, trang trí nhà cửa.
Trước đây, vào dịp Tết nữ công nhân sẽ đi du lịch hoặc về quê đồng nghiệp chơi. Tuy nhiên năm nay e ngại dịch phức tạp, chị hoãn mọi kế hoạch. Gia đình thống nhất hạn chế tới chỗ đông người, chỉ thăm viếng những nơi thật sự thân thiết.
"Nhiều bạn ở tỉnh chấp nhận ở lại thành phố làm việc, trong khi nhà tôi ở đây thì sao lại không tham gia cùng đồng nghiệp", Nga nói thêm về lựa chọn của mình.
Chị Nga là một trong hơn 3.000 công nhân của nhà máy FAPV đăng ký làm việc trong kỳ nghỉ Tết. Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết ở đợt bùng phát dịch năm ngoái nhà máy phát hiện một số ca nhiễm nên nhiều xưởng phải dừng sản xuất. Khi thực hiện "3 tại chỗ", chi phí tăng cao nhưng công suất giảm, nhiều đơn hàng bị chậm.
"Đối tác đang hối thúc công ty đẩy nhanh tiến độ giao hàng", ông Thái nói. Lần đầu tiên nhà máy tổ chức sản xuất dịp Tết, song có hơn một nửa công nhân đăng ký tham gia. Tiền lương những ngày này được tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng bù cho thời gian ngưng trệ vì dịch cũng là lý do nhà máy Nidec Việt Nam tổ chức sản xuất xuyên Tết. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết năm nay ban giám đốc có thêm tiền thưởng 200.000 đồng để khuyến khích công nhân. Trên 2.500 lao động đăng ký làm việc, cao hơn nhiều so với các Tết trước.
"Nhà máy làm việc liên tục nên không có cảm giác uể oải sau kỳ nghỉ dài. Đó cũng là ưu điểm của làm việc xuyên Tết", ông Hồng nói.
Nhà máy Datalogic ở Khu công nghệ cao trang trí Tết để nhân viên có chỗ chụp ảnh. Ảnh: Lê Tuyết
Ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ chuyên trách công đoàn Khu công nghệ cao, cho hay các nhà máy hoạt động suốt kỳ nghỉ Tết chủ yếu là các doanh nghiệp điện tử, đảm nhận một công đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát nhanh, khoảng 5.000 công nhân chọn ở lại làm việc.
"Sau thời gian dài bị chậm, gián đoạn do dịch các công ty đang đẩy nhanh tiến độ. Người lao động cũng muốn có thêm thu nhập sau một năm khó khăn", ông Đức nói. Để khuyến khích công nhân, có nhà máy trả tiền làm Tết gấp 4 lần so với bình thường, cao hơn so với quy định. Ngoài ra, một số nơi còn thưởng thêm 1-2 triệu đồng cho những ngày làm việc xuyên Tết.
Tết Nhâm Dần, người lao động có 9 ngày nghỉ, gồm 5 ngày nghỉ chính thức và 4 ngày nghỉ cuối tuần. Thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 29/1 đến hết 6/2, tức từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 6 tháng Giêng, trong đó thời gian nghỉ chính thức từ 31/1 đến 4/2.
Theo quy định, người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương 5 ngày nghỉ chính. Nếu làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần, tiền lương sẽ được tăng lên gấp đôi và số tiền này tăng lên gấp 3 nếu làm việc vào các ngày nghỉ chính thức.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, thời gian nghỉ Tết năm nay của người lao động ở thành phố là 8,5 ngày. Một số doanh nghiệp bố trí nghỉ thêm phép năm để công nhân đủ thời gian về thăm gia đình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận