Công nhận các vùng ly khai Ukraine: Ván cược nhiều rủi ro của Tổng thống Putin | VOV.VN
Ông Michael Oren lưu ý, việc Nga công nhận độc lập cho các vùng ly khai của Ukraine có thể dẫn đến một bước đột phá về mặt ngoại giao những cũng dễ gây bùng phát xung đột.
Kế hoạch về việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh đưa được nhất trí “trên nguyên tắc” giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden có thể không diễn ra sau khi thông tin tình báo và những diễn biến thực tế cho thấy Nga có thể phát động chiến dịch quân sự đối với Ukraine, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Putin tuyên bố ký sắc lệnh công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine là nhà nước độc lập, đồng thời ra lệnh triển khai lực lượng “gìn giữ hòa bình” sang các khu vực này hôm 21/2.
Ván cược của ông Putin
Đánh giá về quyết định của Nga, cựu đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren nhận định: “Đây là một cuộc chơi có tỷ lệ thắng cược cao nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Mặc dù trong cuộc chơi như vậy, hầu như luôn có chỗ cho cả hai bên hạ thấp những yêu cầu của mình, song vẫn có nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm”.
Ông Michael Oren lưu ý, việc Nga công nhận độc lập cho 2 khu vực nói trên có thể dẫn đến một bước đột phá về mặt ngoại giao những cũng dễ gây bùng phát xung đột. “Tổng thống Putin đang gia tăng sức ép với phương Tây. Ông ấy đã và đang làm tất cả nhằm đạt được mục đích. Ông Putin sẵn sàng thực hiện bước đi táo bạo và chờ đợi câu trả lời từ phương Tây về việc liệu họ có đưa Ukraine gia nhập NATO hay không và liệu họ có loại bỏ tên lửa khỏi các quốc gia trước đây từng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw hay không”.
Theo Washington Post, trước Donbass, Nga từng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, sau một cuộc chiến 5 ngày vào năm 2008, để có lý do chính đáng cho việc hiện diện quân sự tại một nước thuộc Liên Xô cũ. Mục đích của Moscow là ngăn chặn tham vọng gia nhập NATO của Gruzia. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, Nga có lẽ đang sử sụng chiến thuật tương tự đối với Ukraine.
Ông Putin không muốn một quốc gia láng giềng rơi vào tầm ảnh hưởng của NATO, trái lại, muốn tạo ra một vùng đệm. Để thực hiện được điều này, Nga cần gây sức ép mạnh mẽ buộc Mỹ và NATO phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong bài bình luận vào tháng 7/2021 được đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Putin mô tả người Nga và người Ukraine là các dân tộc anh em, nói rằng “Ukraine chỉ có thể bảo vệ được chủ quyền thực sự khi hợp tác với Nga”.
Một cuộc điều tra dân số chính thức gần đây cho thấy, hơn một nửa dân số ở Bán đảo Crimea và Donetsk xác định tiếng Nga là ngôn ngữ chính của họ. Ông Putin đã viện dẫn ý tưởng về bản sắc khu vực đặc biệt của Donbass, làm cơ sở thực hiện các hành động “bảo vệ” công dân Nga đang sinh sống trong khu vực và những người nói tiếng Nga trước mọi mối đe dọa.
Thượng đỉnh Putin-Biden vẫn là một lựa chọn khả thi?
Khi trả lời câu hỏi này, cựu đại sứ Michael Oren nói: “Tôi cho rằng hội nghị thượng đỉnh vẫn là một lựa chọn khả thi vì Tổng thống Joe Biden từng nói rằng, ông sẽ sẵn lòng gặp ông Putin với điều kiện Nga không tấn công Ukraine”.
“Mặc dù các cuộc đàm phán ngoại giao vẫn luôn được ưu tiên hơn so với hành động quân sự, nhưng câu hỏi trước mắt là hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận điều gì”, ông William Pomeranz, phó giám đốc Viện Kennan của Trung tâm Wilson nhận định.
Ông William Pomeranz lưu ý: “Nga đã đưa ra một loạt tối hậu thư mà họ cho là không thể thương lượng ngay từ đầu, chẳng hạn như NATO không được kết nạp Ukraine và mở rộng khối. Tổng thống Biden không thể đáp ứng những yêu cầu đó vì làm như vậy chẳng khác nào hạ thấp vị thế của ông và làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương”.
“Trước đó, cả hai bên đều nhất trí khôi phục Thỏa thuận Minsk nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Nhưng với việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, triển vọng hồi sinh thỏa thuận này rất mong manh. Lòng tin giữa hai bên đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Mọi dấu hiệu hiện giờ cho thấy tình hình sẽ leo thang hơn nữa và ngoại giao không phải lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu”.
Trái với quan điểm của nhà phân tích William Pomeranz, ông Zvi Magen - cựu đại sứ Israel tại Nga và Ukraine cho rằng, biện pháp ngoại giao có thể vẫn hiệu quả và chiến tranh sẽ được ngăn chặn.
“Đã đến lúc xúc tiến các cuộc đàm phán. Cho đến nay, chúng tôi thấy rằng các bên chỉ cạnh tranh với nhau trên mặt trận thông tin. Nếu 2 bên đồng ý gặp gỡ, thì điều đó đồng nghĩa với việc, ít nhất một trong hai phía, hoặc có thể là cả 2 đã sẵn sàng thỏa hiệp”.
Nếu các Tổng thống Putin và Tổng thống Biden gặp nhau, họ nhiều khả năng sẽ thảo luận về những gì Nga có thể nhận được sau khi đưa ra một bản danh sách các yêu cầu cho phương Tây, ông Magen nhấn mạnh.
“Mỹ không hứa hẹn bất cứ điều gì, còn Nga sẽ chỉ dừng lại ở yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine hoặc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà nước này đang hứng chịu”.
Ngoại giao không vũ khí giống như âm nhạc không có nhạc cụ
Còn Dan Arbell – một học giả tại Đại học Mỹ cho rằng: “Phương Tây đang cố gắng tìm hiểu xem liệu quyết định của Tổng thống Putin công nhận Donbass có phải là một phần trong chiến lược kết thúc cuộc chơi của Nga hay chỉ là màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh toàn diện”. Theo học giả này, hội nghị thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra vì nó phù hợp với chương trình nghị sự của ông Biden nhằm tận dụng tất cả các đòn bẩy ngoại giao để tránh chiến tranh.
“Tuy nhiên, chính quyền Biden sẽ phải đảm bảo rằng Mỹ sẽ không khiến Nga bối rối trong hội nghị thượng đỉnh hoặc chịu hậu quả ngay lâp tức nếu đàm phán thất bại. Nếu 2 nhà lãnh đạo gặp nhau, có rất nhiều chủ đề sẽ được thảo luận. Nhưng vẫn chưa rõ ông Putin đang có kế hoạch gì và lý do ông công nhận độc lập cho các vùng ly khai ở miền Đông Ukraine”.
Đồng tình với ý kiến của Dan Arbell, chuyên gia John Hannah - thành viên cấp cao tại Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Từng có câu ngạn ngữ cho rằng, ngoại giao không vũ khí giống như âm nhạc không có nhạc cụ. Tổng thống Biden đang cố gắng sử dụng mọi công cụ cần thiết, không chỉ để ngăn chặn chiến tranh mà còn để trì hoãn các bước đi của ông Putin với hy vọng những cái đầu lạnh cuối cùng sẽ chiếm ưu thế, đồng thời khiến ông Putin phải xem xem tất cả mặt lợi – mặt hại của hành động quân sự. Đó giống như chiến lược kéo dài thời gian chờ đợi để ngăn điều tồi tệ nhất có thể xảy ra”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận