24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công nghiệp điện tử Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ?

Việt Nam có ngành công nghiệp điện tử, thậm chí được ghi nhận là “quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới”. Nhưng ít ai biết doanh nghiệp điện tử Việt suốt hơn 20 năm qua cơ bản “sống mòn”, cho đến khi Mobiistar rút khỏi Ấn Độ, hay lùm xùm “Made in Vietnam” liên quan tới Asanzo được “kích hoạt”.

1. Đầu tháng 7/2019, thông tin chiếc điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar rút lui khỏi Ấn Độ sau hơn một năm gia nhập đã khiến không ít người yêu, quan tâm tới công nghệ tiếc nuối.

Nguyên nhân đơn giản là: Mobiistar India tại Ấn Độ là doanh nghiệp nhận nhượng quyền kinh doanh thương hiệu điện thoại Mobiistar từ Mobiistar Việt Nam. Tuy nhiên, Mobiistar India lại được đầu tư bởi Công ty Vsun (Trung Quốc), phía doanh nghiệp Việt Nam đóng góp thương hiệu, kinh nghiệm thị trường, cùng với đó CEO Ngô Nguyên Kha là đồng sáng lập kiêm CEO. Khi Vsun bị mất thanh khoản và nộp đơn xin phá sản tại Trung Quốc, không thể tiếp tục hậu thuẫn tài chính cho Mobiistar India thì việc đàm phán với một số nhà đầu tư để gây vốn cho Mobiistar India dường như không tiến triển tốt.

Công nghiệp điện tử Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ?
Công nghiệp điện tử Việt Nam lúc này rất cần hỗ trợ để vượt thoát, hoặc không bao giờ

Tiếc nuối, là bởi Mobiistar là doanh nghiệp điện tử Việt hiếm hoi thực hiện khát vọng “vươn ra biển lớn”. Tiếc nuối, là bởi Mobiistar sau 10 năm thành lập đã có được chỗ đứng tại thị trường nội địa, trong bối cảnh nhiều hãng điện thoại Việt thành lập rồi chết yểu. Thậm chí có thời điểm, Mobiistar liên tục nằm trong top 5 các hãng smartphone lớn tại thị trường Việt, với thị phần luôn ổn định ở mức trên dưới 5%, chỉ đứng sau Apple.

Rút khỏi Ấn Độ, Mobiistar sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường trong nước, phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc vốn rất giàu tiềm lực.

Điện thoại thương hiệu Việt lại tiếp tục như con thuyền không bến!?

2. Sau khi Mobiistar, tới lượt Asanzo nổi lên như một “hiện tượng lạ”, khi chỉ mất 5 năm (từ 2013) để chiếm 16% thị phần, đứng top 4 thị trường điện tử Việt Nam vốn chật cứng các thương hiệu ngoại lừng lẫy.

Công nghiệp điện tử Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ?
Tivi Asanzo chiếm thị phần lớn hướng tới nhóm khách hàng phổ thông.

“Asanzo sẽ phải là một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng như laptop, máy tính bảng...”, ông Tam chia sẻ về đích đến của Asanzo.

Tuy nhiên, kế hoạch nói trên của Asanzo đã bị “khựng” lại sau khi Báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài nêu việc Asanzo sử dụng linh kiện Trung Quốc, xé nhãn “Made in China” và dán nhãn “Xuất xứ Việt Nam” lên sản phẩm. Sự việc không chỉ là lời cảnh tỉnh cho Asanzo, mà còn cho hàng loạt sản phẩm thương hiệu Việt nhưng ruột “hiệp chủng quốc” khác.

Cũng cần nhớ rằng, suốt hàng chục năm qua, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam gần như sản phẩm gì cũng làm, nhưng rốt cuộc không làm ra sản phẩm gì. Công nghiệp phụ trợ không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước nên dễ hiểu khi chúng ta không có sản phẩm “Made in Vietnam” đúng nghĩa.

3. Thế nào là “Made in Vietnam” tiếp tục gây tranh cãi. Trang công nghệ ICTnews đã sử dụng biểu đồ “Đường cong nụ cười” của Stan Shih (nhà sáng lập Tập đoàn Acer) để lý giải những chia rẽ của người dùng.

Theo đó, trong ngành công nghiệp điện tử, toàn bộ khâu sản xuất có thể chia vào 3 giai đoạn lớn: Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm (nghiên cứu phát triển, thiết kế, chuẩn hoá - cần nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này gọi là ODM); Chế tạo sản phẩm (gia công và lắp ráp - cần nhiều công sức, mang lại giá trị thấp. Những doanh nghiệp này gọi là OEM); Bán hàng và dịch vụ hậu mãi (marketing, bán hàng, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi - cũng cần nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này gọi là OBM).

Theo biểu đồ của Stan Shih, thì càng đi xuống đáy, phần giá trị gia tăng càng thấp. Bất kỳ quốc gia, công ty nào cũng muốn chiếm lĩnh những công đoạn phía trên của “Đường cong nụ cười” - giá trị chất xám. Còn ở dưới, chỉ là “bán mồ hôi”. Đó cũng là ý nghĩa của chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp điện tử Việt ở đâu trên trên biểu đồ “Đường cong nụ cười”?

Có thể thấy việc một số sản phẩm điện tử thương hiệu Việt (lắp ráp từ linh kiện hoặc nhập nguyên chiếc), ở một góc nhìn nào đó, đây là một điểm sáng. Bởi dù không trực tiếp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thì khâu làm thương hiệu, phân phối, bán hàng và hậu mãi chắc chắn đòi hỏi nhiều chất xám và mang lại giá trị hơn khâu chế tạo.

Cần nhớ rằng, hơn 20 năm đã qua, dù doanh nghiệp điện tử Việt Nam hầu hết chết lâm sàng, thì chúng ta vẫn là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới. Thành quả đó là nhờ chính sách khuyến khích đầu tư FDI, nhưng phần lớn giá trị xuất khẩu đều nằm trong tay khu vực FDI (95%), tỷ lệ cung ứng linh kiện từ doanh nghiệp nội địa rất thấp.

Thực tế trên quả thật đau xót nếu nhìn sang các nước châu Á, cách họ kiên trì “nội địa hóa” ngành công nghiệp điện tử. Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tập trung nghiên cứu, học hỏi những tiến bộ công nghệ thế giới để phát triển thương hiệu nội địa, trở thành cường quốc về điện tử với Sony, Toshiba, Panasonic…, Hàn Quốc sau đó cũng có bước đi y hệt, tạo nên những hương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, LG…, Trung Quốc chịu trở thành “đại công trường của thế giới”, và giờ họ có những “gã khổng lồ”.

Việt Nam, hoặc là chọn làm “đại công trường”, phát triển công nghiệp phụ trợ. Hoặc là hỗ trợ tối đa cho những Asanzo, Sunhouse, Kangaroo…, vốn đang có chỗ đứng trên thị trường, hay VinSmart giàu tham vọng.

Khi Asanzo tính tới xây dựng nhà máy, VinSmart tâm huyết đeo đuổi phát triển hệ sinh thái các sản phẩm điện tử, công nghệ thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo…, thì công nghiệp điện tử Việt Nam lúc này rất cần hỗ trợ để vượt thoát, hoặc không bao giờ!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả