menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trí Tú

Công nghệ thấp hại Nhật Bản ra sao? 

Nhật Bản là một đất nước công nghệ cao - là nơi sản sinh ra tàu cao tốc, robot, các trò chơi máy tính và các loại tiện ích. 

Tuy nhiên, mặt trái của câu chuyện là vẫn còn đó một Nhật Bản “công nghệ thấp”. Hầu hết thế giới hiện giao tiếp bằng email, nhưng những người Nhật Bản vẫn chăm chú vào máy fax. Trong khi các nước sử dụng chữ ký điện tử thì các con dấu đỏ cá nhân (“hanko”) vẫn tồn tại ở Nhật Bản. Và tiền mặt vẫn chiếm ưu thế trong việc mua sắm của người tiêu dùng, trước sự ngạc nhiên lớn của du khách nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, nơi các thành phố lớn ngày càng ít sử dụng tiền mặt.

Trong khi những người theo dõi Nhật Bản từ lâu đã xì xào về xu hướng công nghệ thấp của nước này, “đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ phải vật lộn để tận dụng công nghệ kỹ thuật số”, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thật vậy, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản, các nhân viên tại Tokyo vẫn đổ xô đến văn phòng, di chuyển trên những chuyến tàu đông đúc, để nhận fax hoặc đóng dấu tài liệu.

Ở một quốc gia nơi chính phủ đóng vai trò hàng đầu trong phát triển kinh tế, mức độ sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong chính phủ đang ở mức thấp đáng kinh ngạc. OECD báo cáo rằng chưa đầy 10% cá nhân sử dụng Internet để gửi các biểu mẫu đến các trang web của cơ quan công quyền, so với trung bình 30% ở các nước G7.

Người ta chỉ có thể hy vọng rằng sáng kiến gần đây thành lập Cơ quan kỹ thuật số khu vực công của Nhật Bản sẽ giúp tạo ra động lực cho các bộ phận khác của chính phủ. Xét cho cùng, bộ máy của chính phủ đóng một vai trò quan trọng và ngày càng tăng trong cuộc sống của người dân. Những người cao tuổi tại Nhật Bản thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan công quyền để được hưởng các gói an sinh xã hội và chăm sóc y tế dài hạn. Và ở đất nước vốn phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên này, người dân cần được kết nối với các dịch vụ hỗ trợ và thông tin của chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.

Mức độ số hóa trong khu vực tư nhân của Nhật Bản có phần không đồng đều. Các doanh nghiệp sản xuất lớn đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp nhỏ hơn và trong lĩnh vực dịch vụ, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đầu tư vào nguồn lực công nghệ thông tin thường thiếu, trong khi tính năng động yếu kém của các doanh nghiệp đang cản trở việc phổ biến các công nghệ và phương pháp quản lý mới.

Năng lực kỹ thuật số trì trệ cũng là một vấn đề đối với ngành giáo dục và thế hệ thanh niên của nước này. Tại Nhật Bản, học sinh 15 tuổi đạt điểm số rất cao ở các môn khoa học, toán học và đọc hiểu, theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD. Tuy nhiên, tổ chức này cũng báo cáo rằng kỹ năng kỹ thuật số của học sinh Nhật Bản còn yếu do không tập trung đầy đủ vào công nghệ mới trong chương trình giảng dạy ở trường và tương đối ít học sinh theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Nhìn chung, các kỹ năng đang được phát triển trong lĩnh vực giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Việc Nhật Bản trì trệ trong tiến độ số hóa cũng đang ảnh hưởng đến việc đào tạo lại người lao động, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người cao tuổi vẫn còn trong lực lượng lao động và phụ nữ đang quay trở lại công việc được trả lương sau khi ở nhà chăm sóc gia đình. Quá nhiều người Nhật Bản đang bỏ lỡ cơ hội đào tạo lại do nhiều công ty không cung cấp đủ cơ hội đào tạo lại tại chỗ.

Tuy nhiên, đó không hẳn là những tin xấu. Học trực tuyến, từng là một điều hiếm thấy ở Nhật Bản, giờ đây đang lan rộng khắp lĩnh vực giáo dục của nước này. Các hội nghị thường xuyên được tổ chức qua Zoom, giới thiệu lĩnh vực học thuật truyền thống của Nhật Bản với thế giới. Thương mại điện tử đang phát triển, với việc người tiêu dùng mua hàng trực tuyến nhiều hơn. Và “những người làm công ăn lương” của Nhật Bản đang làm việc tại nhà một vài ngày trong tuần, điều có thể báo hiệu sự khởi đầu của văn hóa làm việc dựa trên hiệu suất và sự kết thúc đáng hoan nghênh đối với tư tưởng quan liêu và bảo thủ của Nhật Bản.

Chuyển đổi kỹ thuật số của Nhật Bản là một trong những thách thức quan trọng nhất mà đất nước này phải đối mặt. Số hóa là một trong những phương tiện để nâng cao sản lượng của Nhật Bản - OECD xếp hạng năng suất lao động của Nhật Bản năm 2018 đứng thứ 21 trong số 38 quốc gia OECD và thấp hơn 20% so với mức trung bình của OECD. Một sự phối hợp chuyển đổi kỹ thuật số cũng có thể giúp bù đắp cho dân số trong độ tuổi lao động đang giảm nhanh chóng của Nhật Bản, do dân số nước này đang già đi.

Hiện cũng có những lý do chiến lược khiến Nhật Bản phải coi trọng hơn sứ mệnh chuyển đổi kỹ thuật số của mình. Số hóa là cách để Nhật Bản cải thiện cả khả năng kinh tế và quân sự, từ đó tăng cường sức mạnh toàn diện của nước này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả