Công nghệ Nhật giữ cá ngừ tươi 20 ngày, rau củ dùng được trong 2 năm
Không chỉ ngăn ngừa hư hỏng, công nghệ bảo quản này còn giúp gia tăng hương vị của thực phẩm...
Theo tờ Nikkei, nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm những công ty có mục tiêu giải quyết các vấn đề về thực phẩm và giảm rác thải thực phẩm bằng công nghệ. Tại Nhật Bản, nhiều công ty công nghệ thực phẩm đã tìm được cách để giữ cho cá ngừ tươi suốt 20 ngày, còn các tấm rau củ khô có thể ăn được trong 2 năm.
Sự quan tâm đối với công nghệ thực phẩm ngày càng lớn sau thành công của Beyond Meat - công ty Mỹ sản xuất xúc xích, hamburger nhân "thịt" làm từ đậu nành và các nguyên liệu thực vật khác. Beyond Meat niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq hồi tháng 5 và hiện giao dịch với mức giá gấp 3 so với lúc chào sàn.
"Cá và những loại hải sản có vỏ mà các nhà hàng sushi thường bỏ đi trong ngày giờ đây có thể sử dụng được trong khoảng một tuần", Mikio Atobe, chủ tịch công ty Meat Epoch, có trụ sở tại Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cho biết.
Bí mật nằm ở "tấm lão hoá" được tẩm các bào tử nấm mốc vô hại với cơ thể người. Sản phẩm này làm tăng gấp 3 tốc độ lão hoá của thực phẩm, đồng thời ngăn chặn vi khuẩn gây ôi thiu. Các ngừ được bọc trong "tấm lão hoá" có thể giữ tươi trong 20 ngày.
"Không chỉ ngăn ngừa hư hỏng, sản phẩm này còn giúp gia tăng hương vị của thực phẩm", giám đốc một công ty bán buôn hải sản chia sẻ. Công ty này bọc cá ngừ trong các tấm lão hoá và để trong khoảng 3 tuần trước khi vận chuyển tới các siêu thị và nhà hàng.
Meat Epoch, hiện đã bán tấm lão hoá dành cho thịt và cá, và dự định bắt đầu bán sản phẩm này như công cụ bảo quản thực phẩm trong năm nay.
Công nghệ thực phẩm cũng đang mở rộng từ thịt, cá sang rau củ. Công ty Isle, có trụ sở tại tỉnh Nagasaki, đã phát triển được các tấm rau củ dựa trên công nghệ sấy rong biển. Sản phẩm Vegheet của công ty này có 5 vị, gồm cà rốt và rau chân vịt. Isle bắt đầu bán Vegheet từ năm ngoái và có kế hoạch tăng gấp đôi sản xuất lên 30.000 sản phẩm/ngày vào tháng tới. Công ty này đang thử nghiệm 25 hương vị mới.
"Rau củ hàng loại thường bị bỏ đi, nhưng các nhà sản xuất giờ đây có thể tăng lợi nhuận nếu sử dụng chúng để làm Vegheet", Keisuke Soda, CEO của Isle, cho biết.
Rau củ hàng loại thường bị bỏ đi giờ đây có thể dùng để làm tấm rau củ khô - Ảnh: Nikkei.
Ngành công nghiệp này không chỉ nhằm kéo dài tuổi thọ của thực phẩm, mà còn hướng tới sản xuất các loại thịt nhân tạo, trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm trên thế giới ngày càng tăng. Công ty Integriculture, đặt trụ sở tại Tokyo, có kế hoạch tạo ra gan ngỗng bằng việc cấy ghép các tế bào gan. "Chúng tôi dự định bắt đầu bán sản phẩm này vào nửa đầu những năm 2020", chủ tịch Yuki Hanyu của công ty cho biết.
Integriculture cũng có kế hoạch hợp tác nghiên cứu với hãng thực phẩm NH Foods để giảm chi phí sản xuất, kết hợp hệ thống nuôi cấy độc quyền của Integriculture và chuyên môn về sản xuất các sản phẩm thịt của NH Foods.
Bên ngoài Nhật Bản, chuỗi siêu thị Mỹ Whole Foods Market đã bắt đầu bán các sản phẩm của Beyond Meat từ năm 2016. Mô hình kinh doanh với nguồn protein thay thế của Beyond Meat đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong bối cảnh dân số toàn cầu tiếp tục tăng nhanh. Hồi tháng 4, công ty Impossible Foods của Mỹ cũng tuyên bố chuỗi đồ ăn nhanh Burger King sẽ bắt đầu phục vụ hamburger nhân "thịt thực vật" của công ty..
Nhiều startup trên khắp thế giới cũng bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này. Công ty Aleph Farms, có trụ sở tại Israel, đang nhắm tới thương mại hoá sản phẩm thịt được làm từ tế bào. Nhiều startup tương tự cũng mọc lên ở Hà Lan.
"Số lượng các startup có liên quan tới công nghệ thực phẩm tại Mỹ đã tăng lên hơn 200", Hirotaka Tanaka của hãng tư vấn Sigmaxyz, cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận