Công chức Trung Quốc 'thắt lưng buộc bụng'
Giới công chức Trung Quốc đang chạy đua hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm từ chính quyền trung ương, khi nguồn thu nhiều địa phương giảm sút.
Khi đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo cho các quan chức nước này rằng họ phải làm quen với việc thắt chặt hầu bao trong nhiều năm tới, chỉ thị nhanh chóng được thực thi.
Ít nhất 21 chính quyền cấp tỉnh đã cắt giảm ngân sách cho xe công trong năm nay. Tỉnh trưởng Quý Châu cam kết cắt giảm 15% chi phí hoạt động của chính quyền. Một quan chức ở tỉnh Hồ Nam kêu gọi các đồng nghiệp trở thành "những người quản gia" đảm bảo quản lý mọi chi phí hoạt động một cách hiệu quả.
Cơ quan thống kê tỉnh Vân Nam yêu cầu nhân viên không đặt máy điều hòa dưới 26 độ C vào mùa hè. Chính quyền Nội Mông cho biết các cơ quan nhà nước nên giảm thiểu việc mua thiết bị mới bằng cách sửa chữa và tái sử dụng các vật dụng như bàn ghế, máy tính. Thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, yêu cầu các công chức in tài liệu trên giấy chất lượng thấp hơn.
Tình hình tài chính của chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn vì nợ công, nhưng 3 năm chống dịch Covid-19 làm họ kiệt quệ. Tình trạng trì trệ và thị trường bất động sản sụt giảm thời hậu Covid-19 càng làm trầm trọng thêm vấn đề, do nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc vào việc bán đất. Những tháng gần đây, hai công ty xếp hạng tín dụng lớn đã hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực.
Chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà hàng loạt địa phương đang áp dụng đã phản ánh mức độ ảnh hưởng của thực trạng kinh tế mới tại Trung Quốc. Tăng trưởng kém và thị trường việc làm ảm đạm đang tác động mạnh mẽ tới tất cả mọi người, từ dân thường đến công chức chính quyền, và buộc nhiều người phải điều chỉnh để thích nghi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên phát động chiến dịch tiết kiệm vào năm 2019 như một phần trong nỗ lực chống lãng phí trong chính phủ. Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực này vào tháng 12 năm ngoái, yêu cầu các công chức thực hiện "thắt lưng buộc bụng" trong thời gian dài.
"Các cơ quan của đảng và chính phủ phải làm quen với lối sống tiết kiệm", thông cáo từ hội nghị chính sách kinh tế hàng năm của đảng Cộng sản Trung Quốc có đoạn.
Thông điệp nhanh chóng được phổ biến trong các nghị quyết của đảng và trên truyền thông nhà nước, yêu cầu các cán bộ, công chức chú ý đến việc giới lãnh đạo sử dụng thuật ngữ "làm quen".
"Sống tiết kiệm không phải một nhu cầu nhất thời hay giải pháp tình thế, mà là nguyên tắc và chính sách phải được tuân thủ trong thời gian dài", Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh trong một tuyên bố hồi tháng một. "Hãy chi từng đồng vào những lĩnh vực quan trọng và khiến nó phát huy hiệu quả tối đa".
Chính quyền nhiều địa phương đã ban hành chỉ thị chi tiết về cách "làm quen với cuộc sống giản dị", yêu cầu nhân viên tiết kiệm bằng cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng văn phòng phẩm rẻ hơn và in giấy hai mặt. Một số nơi yêu cầu công chức phải ăn hết suất, cắt giảm những chuyến công tác cũng như sửa chữa, tái sử dụng trang thiết bị, từ ôtô công vụ đến nội thất văn phòng.
Trung Quốc cũng thắt chặt kiểm soát chi tiêu cơ sở hạ tầng ở các tỉnh thành có tỷ lệ nợ cao và hạ mục tiêu thâm hụt ngân sách xuống 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, giảm từ mức 3,8% của năm ngoái, nhằm thể hiện cam kết của chính phủ đối với kỷ luật tài chính.
Chính sách thắt lưng buộc bụng không có khả năng làm giảm đáng kể áp lực tài chính của Trung Quốc, mà thông điệp này hướng tới mục đích chính trị nhiều hơn, giới quan sát đánh giá.
Christine Wong, chuyên gia về tài chính công Trung Quốc, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chính sách này chỉ có thể giúp chính quyền các địa phương tiết kiệm được số tiền nhỏ, không đáng kể so với ngân sách công hàng năm của chính phủ Trung Quốc là khoảng 3,9 nghìn tỷ USD. Việc "thắt lưng buộc bụng" khó giải quyết những vấn đề lớn hơn, như yêu cầu các chính quyền địa phương tăng nguồn thu và giảm nợ công.
Chiến dịch thắt lưng buộc bụng về cơ bản là "sự thừa nhận rằng tiền bạc đang eo hẹp", Wong cho hay. "Nó cũng gửi đi thông điệp rằng khu vực công đang chia sẻ nỗi đau với người dân, những người đang kiếm được ít tiền hơn và phải làm mọi việc với ngân sách eo hẹp hơn".
Các quan chức cấp cao và truyền thông nhà nước đã củng cố thông điệp bằng cách liên hệ với nó lòng yêu nước, nói với các công chức rằng hành động tiết kiệm đồng nghĩa với lòng trung thành và tiền tiết kiệm sẽ giúp tài trợ các dự án mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc tiến lên.
Mục tiêu là cắt giảm chi tiêu thường xuyên để chính phủ có thể "tập trung nguồn lực làm những việc lớn", Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An tuyên bố hồi tháng ba. "Mỗi đồng mà các cơ quan đảng và chính phủ tiết kiệm được là thêm một đồng có thể chi cho sinh kế của người dân".
Bộ Tài chính Trung Quốc hồi cuối tháng ba ban hành hướng dẫn kêu gọi các cơ quan chính phủ kiểm soát chi tiêu và theo dõi tài chính chặt chẽ hơn. Ví dụ, Bộ khuyến cáo các quan chức hạn chế chi phí liên quan đến công tác nước ngoài, di chuyển cũng như hoạt động chiêu đãi, hội họp, chuyển từ họp trực tiếp sang trực tuyến và tận dụng trụ sở chính quyền thay vì thuê địa điểm thương mại để tổ chức sự kiện.
Theo giới chuyên gia, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng hy vọng chiến dịch thắt lưng buộc bụng có thể giúp hạn chế rủi ro từ nỗ lực giải cứu các khu vực mắc nợ nặng nề và tránh một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn. Tianlei Huang, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trụ sở tại Washington, cho hay Bắc Kinh đang nói với chính quyền các địa phương rằng "trước hết họ nên dựa vào chính mình".
"Nhiều địa phương rất lãng phí tiền bạc vì họ không phải chịu bất kỳ ràng buộc cứng rắn nào về ngân sách trong thời gian dài", ông nói.
Trên thực tế, nỗ lực tiết kiệm thường chuyển thành việc cắt giảm những chi phí thường ngày khi các công chức chạy đua để chứng tỏ họ tuân thủ nghiêm chỉnh chiến dịch.
Tại một xưởng luyện kim thuộc sở hữu nhà nước ở Vân Nam, nhân viên được yêu cầu giảm 30% chi phí nước uống hàng năm so với tổng chi phí hơn 37.000 USD năm ngoái.
"Kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ nước đóng chai ở từng đơn vị làm việc", đảng ủy nhà máy cho biết trong thông báo, khuyến khích nhân viên mang cốc riêng thay vì sử dụng cốc dùng một lần.
Cơ quan Quản lý Văn phòng Chính phủ Quốc gia chịu trách nhiệm giám sát mua sắm và hậu cần nhà nước của Trung Quốc cũng khuyến nghị công chức tái chế rác thải văn phòng và nhắc nhở nhân viên tiết kiệm điện, nước.
Một quận ở khu vực Nội Mông đã đề xuất các hướng dẫn giao thông "xanh" nhằm giảm việc sử dụng các phương tiện công vụ, khuyến khích nhân viên chính quyền đi bộ quãng đường dưới một km, đạp xe với quãng đường từ một đến hai km và sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hành trình dài hơn.
Theo Huang, những biện pháp như vậy sẽ chỉ mang lại khoản tiết kiệm khiêm tốn và "chúng không đóng vai trò quá quan trọng trong kế hoạch tổng thể". Ông lưu ý chính phủ Trung Quốc vẫn phải tìm cách sử dụng tiền vào mục đích tốt hơn.
Các quan chức cho biết họ muốn làm "những việc lớn" với số tiền tiết kiệm này, "nhưng những việc lớn đó là gì?", Huang đặt vấn đề. "Tôi không nghĩ có một định nghĩa nào thực sự rõ ràng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận