24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Sơn Phan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công bố Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh.

Công bố Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Hội thảo công bố Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhận định tại Hội thảo công bố Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố sáng 26/4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.


Theo GS TS. Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, theo phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.


Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như: tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.


Theo Báo cáo năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực. Trong một số chỉ tiêu như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu và RCA Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh. Nhưng trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh.


Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, bằng 1/3 của Indonesia và Philippines, bằng 1/2 của Ấn độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.


Báo cáo cũng khuyến nghị, Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo như một phần không thể thiếu trong các cải cách về đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và chính sách thu hút, sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Cụ thể, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI; đồng thời, phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), để chọn lọc nhà đầu tư FDI chất lượng cao cho nền kinh tế là cả một vấn đề lớn.


“Muốn có nhà đầu tư FDI tốt, cần phải có thể chế chính sách tốt, không phải chỉ là việc rà soát chính sách FDI mà quan trọng là đưa Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chất lượng. Muốn được như vậy, cần phải giải quyết một số vấn đề; trong đó, có việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn; sẵn sàng đáp ứng về hạ tầng cơ sở, logistics; thuận lợi hóa thương mại cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Thắng nói.


Đặc biệt, khi luồng đầu tư FDI vào Việt Nam phát triển mạnh và vận động liên tục, hệ thống hải quan phải đáp ứng được nhanh bởi các kỹ năng mang tính nền tảng. Các khâu cung ứng trong nước cần phải nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Tuy nhiên, ông Thắng cũng quan ngại về việc đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông Thắng, để đầu tư phát triển công nghệ rất cần có những doanh nhân công nghệ dám dấn thân. Nhưng hiện nay, đầu tư cho công nghệ luôn đứng số 1 trong những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và rủi ro.


Ông Thắng cũng cho rằng, thay đổi xác xuất tỷ lệ đầu tư thất bại bằng hệ sinh thái lớn hơn. Cụ thể là thay bằng để 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ thì tăng lên 1.000 doanh nghiệp đầu tư. Vì nếu có 900 doanh nghiệp rơi rụng vẫn có 100 doanh nghiệp còn lại và tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn cho nền kinh tế.


Theo bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các "nút thắt cổ chai" kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành và có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.


Theo bà Wiesen, cần có nền tảng kết nối Chính phủ, các doanh nghiệp FDI và trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả