Công an điều tra sai phạm ở Công ty F88, người vay có được 'xóa nợ'?
Nhiều khách hàng thắc mắc khi công an đang điều tra sai phạm tại Công ty F88 thì các khoản vay với lãi suất cao họ có phải trả?
Mới đây, Công an TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở và nhiều chi nhanh của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty F88) để điều tra các hoạt động cho vay và hoạt động có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản tại công ty này.
Theo tìm hiểu, Công ty F88 chuyên cho vay tiền, có hàng trăm nhân viên tham gia thu hồi nợ và trong thời gian qua bị dư luận phản ánh nhiều bức xúc. Công ty F88 được thành lập năm 2013, tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Công ty có 830 chi nhánh trên toàn quốc.
Nếu khoản lãi cao hơn quy định thì người vay sẽ không phải trả
Trả lời về câu hỏi của bạn đọc nếu Công ty F88 bị xử lý hình sự hoặc bị "xóa sổ" do kinh doanh bất hợp pháp thì các khoản vay và cho vay sẽ xử lý thế nào?, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật Pháp Trị) phân tích: Khoản nợ gốc trong các hợp đồng vay, người vay vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty F88 hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này.
Nếu người vay không trả do không có khả năng thanh toán thì Công ty F88 hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này phải khởi kiện dân sự, yêu cầu thi hành án để thu hồi số tiền này.
Về khoản lãi nếu phù hợp với quy định pháp luật (nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đó là không quá 20%/năm theo điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015) thì vẫn có hiệu lực và người vay phải có nghĩa vụ phải thanh toán theo đúng các thỏa thuận với Công ty F88.
Cũng theo luật sư Lực, nếu khoản lãi cao hơn quy định pháp luật thì người vay sẽ không phải trả.
Trường hợp khoản lãi người vay cao hơn quy định mà người vay đã trả cho Công ty F88 thì đây được xác định là khoản thu lợi bất chính của Công ty F88 cơ quan chức năng sẽ sung công quỹ khoản tiền này.
"Tuy nhiên, người cho vay hiếm khi ghi nhận rõ ràng mức lãi suất thực tế, mà thường ẩn giấu dưới cách thức khác nhau như: Giữ lại một phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, tính các loại phí ngoài lãi, như phí thẩm định khoản vay, phí thẩm định tài sản, phí bảo quản tài sản, lãi suất phạt vi phạm, ghi một con số thấp nhưng thu lãi cao hơn.
Do vậy cơ quan công an sẽ điều tra, làm rõ dấu hiệu "tín dụng đen" của Công ty F88 để xem xét xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)", chuyên gia pháp lý nói thêm.
Kể cả Công ty F88 bị xóa sổ, người vay vẫn phải trả nợ
Phân tích thêm về câu chuyện nêu trên, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết: Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay là: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy nếu vay tiền của F88 có hợp đồng vay và có nghĩa vụ hoàn trả theo thời hạn nhất định thì người vay vẫn có nghĩa vụ trả tiền. Việc Công ty F88 bị điều tra sẽ tạm thời chưa có ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả khoản tiền nợ của người vay. Tuy nhiên nếu trong trường hợp thấy F88 có dấu hiệu vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì người vay có thể thu thập chứng cứ trình báo cơ quan công an.
Còn trong trường hợp Công ty F88 bị giải thể, đối với những khoản tiền cho vay chưa được thanh toán sẽ phải xử lý như sau:
Theo quy định tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 hồ sơ giải thể công ty cổ phần gồm các giấy tờ sau đây: Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Như vậy, đối với những khoản cho vay khi giải thể thì bên vay vẫn sẽ có nghĩa vụ trả cho phía Công ty F88.
Do vậy, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo, để tránh những thiệt hại cho bản thân, khách hàng cần quan tâm đến những vấn đề pháp lý liên quan trước khi có ý định vay để vừa bảo vệ bản thân, vừa chủ động hướng xử lý khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó phải tìm hiểu về thực lực và uy tín của doanh nghiệp để tránh thua thiệt khi vay tiền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận