Con gái Chủ tịch TCT Bình Dương mua lại công ty liên quan đến án tham nhũng để sở hữu quỹ đất khủng?
Mới đây, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch TCT Bình Dương xin từ chức khi công an đang điều tra làm rõ những sai phạm vụ chuyển nhượng đất công. Tuy nhiên, không chỉ dự án 43 ha đất Bình Dương, chuyện làm ăn của gia đình ông Minh ít nhiều gắn với đất vàng.
Mua lại công ty liên quan đến án tham ô tài sản?
Bà Nguyễn Thục Anh, sinh năm 1982 là con gái ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty TCT Bình Dương) hiện đang là Chủ, chiếm 70% cổ phần của Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt.
Cụ thể, Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt hiện nay có vốn điều lệ là 26 tỷ đồng, trong đó có 3 cá nhân góp vốn là Nguyễn Thục Anh góp 18,2 tỷ (70%) , Nguyễn Đại Dương 7.654 tỷ (29,440%) và Phùng Lam Sơn 145.6 triệu (0,560%). Như vậy, với số vốn góp lên đến 70% bà Nguyễn Thục Anh là người quyết định mọi hoạt động của Công ty này.
Trước đó, Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Hải Ninh và Công ty này đang liên quan trực tiếp đến một vụ án hình sự đang được xét xử trong vụ án tham nhũng tại Cty CP Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn.
Mới đây, trong các ngày 25, 26 và 28, 29, 30 tháng 10/2019 Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra phiên xét sử sơ thẩm đối với bị cáo trong vụ án là Nguyễn Tuấn Anh (SN 1961, nguyên Giám đốc của Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn) và bị cáo Hoàng Thu Hường (SN 1980, nguyên Kế toán Trưởng của Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn).
Theo cáo trạng, cả hai bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại điểm a khoản 2, Điều 353 - BLHS 2015.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Giám đốc Công ty 2 Lạng Sơn và bị cáo Hoàng Thu Hường, nguyên Kế toán Trưởng Công ty 2 Lạng Sơn tại phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản
Theo kết luận của Cơ quan điều tra, từ tháng 8/2010 đến tháng 02/2016, bị can Nguyễn Tuấn Anh thời điểm đó là Giám đốc Công ty 2 Lạng Sơn, người đại diện theo pháp luật, là người đứng tên chủ tài khoản của Công ty Vận tải số 2 Lạng Sơn, được Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty giao nhiệm vụ điều hành, quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của công ty.
Trong thời gian này, Nguyễn Tuấn Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã chỉ đạo Hoàng Thu Hường (Kế toán trưởng) làm thủ tục thanh toán 7 hợp đồng kinh tế khống, rút ra 4.394.060.000 đồng, đã chuyển khoản 4.085.000.000 đồng nhằm rút tiền của Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn.
Theo kết luận điều tra, trong khoản tiền hơn 4,39 tỷ đồng đã tham ô, Nguyễn Tuấn Anh đã dùng 4,16 tỷ đồng để trả nợ, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 công ty là Công ty Hoa Nam và Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt (đây là 2 công ty gia đình do Nguyễn Tuấn Anh điều hành, quản lý). Còn 232 triệu đồng để thanh toán tiền mua hóa đơn GTGT khống.
Kết quả điều tra xác định, hành vi trên của Nguyễn Tuấn Anh đã gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn hơn 4,4 tỷ đồng trong đó bị can trực tiếp tham ô hơn 4 tỷ đồng; gây thất thoát hơn 386 triệu đồng. Hành vi của Nguyễn Tuấn Anh, Hoàng Thu Hường đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” theo Điểm a, Khoản 4, Điều 353 BLHS năm 2015 với khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Mua Hoa Việt sẽ nắm giữ quỹ "đất vàng" của Công ty ô tô 2 ?
Thời điểm xảy ra vụ án trên, Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Hải Ninh, sinh năm 1938 là mẹ của bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, và tiền tham nhũng đã được chuyển về Hoa Việt. Tuy nhiên, hiện nay, chủ của Công ty Hoa Việt là bà Nguyễn Thục Anh với số vốn góp lên đến 70%.
Câu hỏi đặt ra, một công ty đang vướng vào kiện tụng và chịu sự điều tra của cơ quan chức năng thì tại sao bà Nguyễn Thục Anh bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để mua lại, theo đó ngày đăng ký sang tên cho bà Nguyễn Thục Anh là ngày 19/12/2018?
Trong 3 cá nhân góp vốn vào Công ty Hoa Việt, bà Nguyễn Thục Anh có số vốn góp lớn nhất là 18,2 tỷ chiếm khoảng 70% cổ phần công ty
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH vận tải và du lịch Hoa Việt đang sở hữu 73.54% cổ phiếu của Công ty ô tô 2 Hà Nội. Cụ thể, năm 2015, Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Việt mua 1.838.400 cổ phần của Công ty CP Vận tải Ô tô số 2 (trụ sở tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) và trở thành cổ đông nắm giữ 73,54% vốn điều lệ của Cty Ô tô 2. Như vậy, Hoa Việt đã mua 73,54% vốn điều lệ của Công ty Ô tô 2 vào thời điểm vụ án tham nhũng Cty CP Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn.
Được biết, Công ty CP Vận tải Ô tô số 2 đang nắm giữ quỹ đất khủng tại Hà Nội, và việc nắm giữ Công ty Hoa Việt, quỹ đất khủng của Công ty Ô tô 2 đang nằm trong tầm kiểm soát của bà Nguyễn Thục Anh.
Ngoài việc sở hữu Công ty Hoa Việt, bà Nguyễn Thục Anh cũng là CEO của Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc với địa chỉ tại 18 Đại lộ Bình Dương, Phường Vĩnh Phú, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương.
Từ nhiệm khi vướng sai phạm đất công
Trở lại vụ việc sai phạm vụ chuyển nhượng đất công trái quy định tại Tổng TCT Bình Dương, mới đây, ngày 26/11, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT TCT Bình Dương nhiệm kỳ 2018 - 2022 vừa có đơn xin từ nhiệm với lý do tuổi cao, sức khỏe kém nên không thể thực hiện trọng trách Chủ tịch HĐQT tại tổng công ty. Ông Minh xin nghỉ việc từ 1/12.
Ông Minh sinh năm 1955, là lãnh đạo gắn với TCT Bình Dương hàng chục năm. Từ một doanh nghiệp nhỏ, TCT Bình Dương được giao thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế, làm khu công nghiệp, sân golf…, từng là một trong ba tổng công ty Nhà nước lớn nhất của tỉnh Bình Dương được giao quản lý quỹ đất rộng lớn lên tới hàng triệu mét vuông (thời điểm cuối 2017, trước khi cổ phần hóa là 2,55 triệu m2).
ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương
Ông Nguyễn Văn Minh từ chức trong lúc TCT Bình Dương vướng phải lùm xùm liên quan đến việc tự ý chuyển nhượng toàn bộ 43ha đất của dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú - liên doanh giữa TCT Bình Dương (góp 30% vốn) và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (góp 70% vốn) - với giá trị chuyển nhượng chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương với hơn 581.653 đồng/m2.
Vụ chuyển nhượng đất công giá rẻ, nguy cơ gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Mức giá Hội đồng thành viên TCT Bình Dương chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú đối với khu 43 ha chỉ hơn 250,1 tỷ đồng. Thế nhưng, theo bảng giá đất chuẩn của UBND tỉnh Bình Dương nếu được áp dụng cho 43ha thì trị giá đất sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.
Trước đó, vụ chuyển nhượng đất công của TCT Bình Dương bị phanh phui, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã vào cuộc thanh tra. Kết quả thanh tra đã xác định một số sai phạm liên quan đến chuyển nhượng đất công tại TCT Bình Dương. Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này để tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm.
Tuy nhiên, Hội đồng quản trị Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương đã không phê chuẩn đơn từ nhiệm, yêu cầu ông Nguyễn Văn Minh tiếp tục giữ ghế Chủ tịch, thực hiện nhiệm vụ đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Hưng Vượng - đơn vị sở hữu đến 49% Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc - nơi con gái ông là Nguyễn Thục Anh đang làm CEO
Cụ thể, ngày 29/11, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đã tổ chức phiên họp lần thứ 8 nhiệm kỳ 2018-2022. Tại phiên họp này, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương đã thông qua quyết định không phê duyệt đơn từ nhiệm ngày 21/11/2019 của ông Nguyễn Văn Minh. Đồng thời, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bình Dương yêu cầu ông Minh tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch nhiệm kì 2018-2022 và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Minh còn là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Hưng Vượng (HVC), Công ty này sở hữu đến 49% Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc nơi con gái ông là Nguyễn Thục Anh đang làm CEO.
Được biết ông Nguyễn Văn Minh còn là CEO của liên doanh FrieslandCampina Việt Nam (sở hữu thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan - Dutch Lady). Đây là liên doanh được thành lập giữa Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Protrade) và Royal FrieslandCampina, trong đó đối tác Hà Lan nắm giữ 70% cổ phần. Sau 25 năm hoạt động, FrieslandCampina Việt Nam hiện là một trong những thương hiệu lớn nhất ngành sữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận