24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Văn Bảy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Con đường trần ai nhập vắc xin

Ngày 2/6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, bảo quản vắc-xin. Nhưng nhập vắc-xin là câu chuyện không đơn giản.

Rất nhiều doanh nghiệp trong số này đã đàm phán với các đối tác sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 thông qua các “cò mồi” trung gian trong nước và nước ngoài. Tại TPHCM, có ít nhất 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị y tế, trong khi ở miền Bắc có 5 doanh nghiệp đàm phán với các hãng AstraZeneca, Pfizer,

Sputnik V và Moderna.

Theo quy định của các hãng vắc- xin này, ngoài ngân hàng bảo lãnh tài chính, các doanh nghiệp phải được Chính phủ và Bộ Y tế chỉ định đủ điều kiện giao dịch, uỷ quyền nhập khẩu vắc-xin COVID-19 về Việt Nam. Hiện tại, các hãng như AstraZeneca hay Pfizer đều chỉ làm việc thông qua chính phủ các nước hoặc làm việc với doanh nghiệp có sự chỉ định của Chính phủ và Bộ Y tế. Đó cũng là lý do mà nhiều công ty Việt Nam bị các đối tác sản xuất vắc-xin từ chối. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thông qua trung gian.

Ngày 17/6, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩn Trung ương Codupha ở TPHCM, có công văn gửi Bộ Y tế xin được chỉ định từ Chính phủ hoặc Bộ Y tế về đủ điều kiện nhập khẩu vắc- xin. Theo công văn này, Công ty CP Dược phẩn Trung ương Codupha đã đàm phán với các hãng dược phẩm lớn trên thế giới như AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sputnik V để mua vắc-xin.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, các hãng dược đều ưu tiên cấp nguồn vắc-xin cho Chính phủ hoặc các doanh nghiệp được Chính phủ, Bộ Y tế chỉ định, ủy quyền giao dịch. “Để tạo điều kiện cho Codupha giao dịch với các hãng dược, đề nghị Bộ Y tế phát hành một thư chỉ định bằng tiếng Anh chỉ định công ty là đơn vị được Chính phủ hoặc Bộ Y tế ủy quyền đủ điều kiện nhập vắc-xin về Việt Nam”, công văn viết. Tuy nhiên, đến nay nguồn tin của Tiền Phong nhận định “rất khó để chỉ định hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp để nhập vì vướng cơ chế”.

Trong khi đó, theo tài liệu mà Tiền Phong có được, Codupha đã được Ngân hàng Vietinbank bảo lãnh tài chính với hạn mức hơn 190 triệu USD. Trong văn bản gửi hãng dược AstraZeneca, ngân hàng này cho biết, Codupha là đối tác với Viettinbank lâu năm. Vì vậy, căn cứ đơn đặt hàng của Codupha và hãng với số lượng 20 triệu liều, giá trị đặt hàng 192 triệu USD, Vietinbank sẵn sàng cấp tín dụng cho Codupha để đặt cọc, ký quỹ và thanh toán cho lô hàng trên.

Ngoài ra, Codupha đã đàm phán với hãng dược Pfizer của Mỹ để đặt mua 2 triệu liều vắc- xin của hãng này và Ngân hàng Vietcombank cũng đã xác nhận cung ứng tín dụng 50 triệu USD cho công ty. Theo thông tin Tiền Phong có được, ngày 14/6, Công ty Đầu tư và phát triển MCP ở quận 3, TPHCM cũng gửi thư đến đích danh ông Jonathan Selib - lãnh đạo cấp cao của Pfizer toàn cầu xin mua 20 triệu liều vắc-xin của hãng này. Tuy nhiên, đến nay chưa có phản hồi nào từ Pfizer.

Theo đại diện Codupha, cái khó là hiện Chính phủ và Bộ Y tế không có thư chỉ định cho công ty được nhập khẩu vắc-xin nên việc đàm phán với đối tác và hãng là vô cùng khó. Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Bộ Y tế sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp đàm phán nhưng doanh nghiệp phải tìm được nguồn vắc-xin, có hợp đồng ghi nhớ và cam kết thì phía Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp đều làm việc qua trung gian và chưa có một cam kết cụ thể về nguồn vắc-xin. “Doanh nghiệp Việt kết nối với các “tập đoàn trung gian” nhưng thực tế các tập đoàn này không thể ký ghi nhớ được với hãng sản xuất vắc-xin thì Chính phủ và Bộ Y tế cũng không thể uỷ quyền hay chỉ định cho doanh nghiệp Việt Nam được”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Không đàm phán với doanh nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong chiều 25/6, đại diện của Pfizer Việt Nam khẳng định, đến thời điểm này, họ chưa làm việc với doanh nghiệp nào của Việt Nam về đàm phán mua vắc-xin. “Chúng tôi khẳng định quan điểm nhất quán của hãng trên toàn cầu là chỉ làm việc với chính phủ các nước và Tổ chức COVAX chứ không có bất cứ liên hệ nào với doanh nghiệp hay cá nhân”, đại diện Pfizer khẳng định.

Astra Zeneca cũng khẳng định, ngoài Chương trình COVAX, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, hãng này không ủy quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vắc-xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca tại Việt Nam. Moderna cũng khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 cho Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cho biết, việc mua bán, nhập khẩu, hợp tác với vắc-xin Sputnik cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga. Cơ quan Chống gian lận châu Âu cũng gửi cảnh báo đến chính phủ các nước về việc gian lận, lừa đảo trong mua bán vắc-xin phòng COVID-19 khi xuất hiện các tổ chức, cá nhân mạo danh mời chào vắc-xin giả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả