‘Con đường Tơ lụa’ của Trung Quốc: Đường sắt bao quanh sa mạc duy nhất thế giới
Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt đầu tiên bao quanh một trong những sa mạc rộng lớn và nguy hiểm bậc nhất thế giới.
Từ xa xưa, những du khách trên Con đường Tơ lụa cổ đại đã đặt cho sa mạc lớn nhất Trung Quốc cái tên "Takla Makan" – trong ngôn ngữ của của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc) có nghĩa là "một khi tiến vào ngươi sẽ chẳng có đường về”. Vùng đất rộng lớn này còn được gọi là “Biển Chết”.
Hệt như cái tên, sa mạc Taklamakan là một nơi nguy hiểm với địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, nơi này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với giao thương Á-Âu. Các ốc đảo nằm trên hai tuyến đường xung quanh sa mạc là những điểm giao thương quan trọng trên Con đường Tơ lụa.
Ngày nay, Trung Quốc cuối cùng cũng “hóa giải” được lời nguyền “có đi mà không có về” ở Taklamakan: quốc gia này đã hoàn thành tuyến đường sắt đầu tiên trên thế giới bao quanh sa mạc.
Kỷ nguyên mới cho khu vực chưa từng có bóng dáng đường sắt
Sa mạc Taklamakan bao phủ diện tích 270.000 km2 của lòng chảo Tarim, dài khoảng 1.000 km và rộng khoảng 420km. Khu vực này được bao bọc bởi dãy núi Thiên Sơn ở phía Bắc, dãy Côn Lôn dọc theo rìa phía Nam và dãy Pamir ở phía Tây.
Taklamakan là mô hình của một sa mạc lạnh. Do gần khối khí lạnh ở Siberia nên nhiệt độ thấp nhất từng ghi được tại đây là -20 độ C. Nơi này không có nguồn nước tự nhiên nên du khách sẽ gặp nguy hiểm nếu không có người hướng dẫn.
Hiện nay việc băng qua một trong những sa mạc rộng lớn và nguy hiểm bậc nhất thế giới đang trở nên dễ dàng hơn nhờ tuyến đường sắt bao quanh Taklamakan. Tuy nhiên, công trình này thường xuyên phải hứng chịu các trận bão cát lớn, đe dọa nghiêm trọng đến việc xây dựng và vận hành đường sắt.
Để đối phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai “chương trình chống sa mạc hóa" bằng cách trồng cây để ngăn cát chảy xuống che lấp đường ray. Khoảng 13 triệu cây giống đã phủ xanh 50 triệu m2 cồn cát. Đồng thời, một hệ thống thủy lợi lớn cũng được xây dựng để bơm nước từ hồ dưới lòng đất và duy trì hệ sinh thái nhân tạo này.
Một trong những điểm dừng quan trọng nhất trên tuyến đường sắt sa mạc Taklamakan là thành phố ốc đảo Kashgar - một trong những ốc đảo có vị trí quan trọng nhất trên Con đường Tơ Lụa. Kashgar có hơn 350.000 cư dân đa chủng tộc sinh sống, với những giá trị lịch sử hơn 2.000 năm. Thành phố nằm ở phía Tây Trung Quốc, giữa sa mạc Taklamakan và biên giới đất liền với Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Kyrgyzstan.
Đồng thời, công trình này cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận nguồn khoáng sản khổng lồ ở Tarim Basin. Ước tính, dưới cồn cát khổng lồ của Taklamakan là mỏ dầu có diện tích lên tới 560.000 km2.
Dự án Hotan-Ruoqiang là phần cuối cùng của tuyến đường sắt vòng quanh sa mạc Taklamakan. (Ảnh: Twitter)
Dự án Hotan-Ruoqiang – phần cuối cùng của tuyến đường sắt vòng quanh sa mạc Taklamakan – đã được hoàn thành vào ngày 27/9 sau gần 3 năm thi công. Riêng công trình này đã dài tới 825 km, với hơn 219 cây cầu đi qua một loạt thị trấn nhỏ giữa lòng chảo Tarim và dãy núi Altun với 65 ga. Công trình được ca ngợi là cánh cửa mở ra kỷ nguyên mới cho 5 quận của Tân Cương, những nơi chưa từng có đường sắt chạy qua.
Hotan-Ruoqiang dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2022.
Ngoài Hotan-Ruoqiang, tuyến đường sắt vòng quanh Taklamakan còn bao gồm Golmud-Korla, Kashgar-Hotan và các tuyến đường sắt phía Nam Tân Cương khác.
Loạt dự án “khủng” đang hoàn thiện
Ngoài Taklamakan, Trung Quốc cũng đầu tư vào các tuyến đường sắt quan trọng khác như hệ thống tàu điện từ Maglev với khả năng vận chuyển hành khách và hàng hóa với tốc độ hàng trăm dặm mỗi giờ và tuyến đường sắt dưới nước nối liền các hòn đảo nhỏ ngoài khơi gần Thượng Hải.
Tàu điện từ sử dụng công nghệ từ trường. (Ảnh: CNS Photo)
Trong khi tuyến đường sắt Taklamakan chuẩn bị đi vào hoạt động thì dự án tàu điện từ maglev đang được triển khai ở tỉnh Sơn Tây - phía Bắc Trung Quốc.
Khác với các loại tàu thông thường, tàu điện từ sử dụng công nghệ từ trường để di chuyển. Nó được thiết kế với nhiều nam châm điện đặt dọc đường ray và thân tàu, giúp tàu có thể lơ lửng trên không và di chuyển nhanh chóng.
Chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc Ma Tiehua cho biết, hệ thống tàu mới ở Sơn Tây sẽ sử dụng công nghệ làm giảm đáng kể lực cản của không khí, nhằm đạt được tốc độ di chuyển hơn 1.000 km/h.
Trước dự án tàu điện từ Sơn Tây, Trung Quốc cũng tự hào có tuyến đường sắt thương mại nhanh nhất thế giới ở Thượng Hải. Tuyến đường này dài 30,5 km, kết nối sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải và ga Long Dương (ở ngoại ô trung tâm Phố Đông). Với vận tốc tàu lên tới 431 km/giờ, hành khách có thể đi hết quãng đường chỉ trong 7 phút.
Ngoài tàu điện từ, Trung Quốc cũng đang triển khai xây dựng tuyến tàu cao tốc dưới nước đầu tiên.
Tuyến tàu cao tốc nói trên sẽ nối liền thành phố cảng Ninh Ba, phía Nam Thượng Hải và thành phố Chu San ở khu vực duyên hải phía Đông.
Công trình này là một phần trong dự án đường sắt Yong-Zhou kéo dài 77 km. Trong đó, có khoảng 71 km được xây dựng mới hoàn toàn, bao gồm 16,2 km nằm dưới biển. Dự kiến khi hoàn thành, tàu cao tốc dưới nước sẽ có vận tốc 250 km/h.
Theo trang IFL Science của Anh, việc xây dựng tuyến tàu cao tốc dưới nước “đang diễn ra thuận lợi".
Các tuyến đường sắt mới sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, công nghiệp, nông nghiệp và chính trị trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng leo thang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận