menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Con đường gập ghềnh phía trước cho những nền tảng ‘kinh tế chia sẻ’

Các công ty vận hành mô hình "kinh tế chia sẻ" như Uber và Airbnb đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng đột biến và có dự đoán họ sẽ định hình lại một số lĩnh vực kinh tế. Nhưng rồi đại dịch ập đến!

Các công ty này hiện đang “chảy máu” tiền mặt nhiều hơn bao giờ hết, buộc phải sa thải bớt công nhân và thu hẹp kỳ vọng về lợi nhuận trong bối cảnh sự bất ổn về xu hướng tiêu dùng và triển vọng kinh tế ngày càng tăng cao.

Trước đại dịch, các nền tảng chia sẻ có đà tăng trưởng rất lớn trong các ngành công nghiệp như vận tải, du lịch, thậm chí là chia sẻ quần áo”, chuyên gia phân tích thị trường tiêu dùng Steve Barr của PwC cho biết. Trước đó, PwC dự báo đến năm 2025, nền kinh tế chia sẻ sẽ tạo ra doanh thu 335 tỷ USD.

"Tôi nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng”, Barr nói.

Mọi người đang tránh xa sự đô thị hóa ở các thành phố đông đúc - một động lực chính thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ. Điều đó có thể làm giảm bớt "lối sống" của nền kinh tế chia sẻ, vốn được xây dựng cho những người chọn cách tránh sự sở hữu, Barr lưu ý.

Trong bản cập nhật hàng quý, Uber cho biết mất gần 3 tỷ USD và hoạt động kinh doanh giảm khoảng 80% trong tháng 4, khiến họ phải cắt giảm tới 14% nhân viên.

Gã khổng lồ trong lĩnh vực xe gọi này cho biết đã thấy một số dấu hiệu hồi phục trong những tuần gần đây và đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho hoạt động giao hàng thực phẩm UberEats.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát của IBM công bố trong tháng này cho thấy hơn một nửa số người từng sử dụng các ứng dụng xe gọi đã lên kế hoạch giảm hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn các dịch vụ này.

"Những người đi xe sẽ tiếp tục có ác cảm mạnh mẽ với việc bước vào một chiếc xe cùng một người lạ vì sợ bị lây bệnh, điều này sẽ không giảm bớt đến khi có vắc-xin", nhà phân tích Richard Windsor nói trên blog “Radio Free Mobile”.

Arun Sundararajan, giáo sư Đại học New York chuyên nghiên cứu về nền kinh tế chia sẻ, cho biết dù sao ông vẫn thấy có sự lạc quan dành cho các công ty xe gọi.

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy sự thay đổi sang kiểm soát không gian cá nhân lớn hơn. Nhiều người sẽ tránh xa phương tiện giao thông công cộng ở các khu vực đông dân cư", Sundararajan nói.

Điều này có thể mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho các dịch vụ xe gọi như Lyft và Uber hoặc các nền tảng "di động vi mô" dành cho xe đạp và xe trượt scooter, những dịch vụ mà hai công ty này cũng cung cấp.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng có thể mất nhiều thời gian hơn để thấy sự phục hồi, và cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể làm chậm xu hướng mọi người từ bỏ phương tiện cá nhân để đi chung với nhau.

Con đường gập ghềnh phía trước cho những nền tảng ‘kinh tế chia sẻ’

Nền tảng chia sẻ nhà hàng đầu Airbnb đã cắt giảm 25% nhân viên khi ngành công nghiệp du lịch bị “nghiền nát”, với số lượng đặt phòng ước tính giảm 50% so với đầu năm nay.

Sundararajan nói mọi thứ có thể không quá ảm đạm đối với Airbnb, công ty đã có nhiều năm học cách xây dựng niềm tin của người tiêu dùng và cho phép mọi người làm chủ nhà hoặc ở chung với người lạ. Startup này tiết lộ một giao thức vệ sinh mới và những hướng dẫn về việc để cho không gian phòng được trống thoáng giữa các lần có khách đặt trước.

"Khi mọi người bắt đầu du lịch trở lại, họ sẽ được hướng tới những không gian mà họ cảm thấy có quyền kiểm soát", ông nói.

"Họ có thể không muốn đi qua các hành lang khách sạn đông đúc hoặc ở những nơi họ không biết ai đã ở trước đó”.

Ông cho biết Airbnb có thể có lợi thế hơn so với một số nhà khai thác khách sạn "bởi vì nó không phụ thuộc tỷ lệ lấp đầy cực cao để làm cho mô hình kinh doanh có hiệu quả”.

Như các lĩnh vực khác, các công ty vận hành mô hình kinh tế chia sẻ cần xây dựng lại lòng tin của người tiêu dùng để mang người tiêu dùng trở lại.

Sundararajan cho biết những công ty này có lợi thế vì họ đã dành nhiều năm cho việc giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Tuy vậy, nhà kinh tế học hành vi Lucas Coffman của Boston College cho rằng lòng tin có thể khó đạt được, khi đề cập tới hệ thống xếp hạng danh tiếng được phát triển bởi các nền tảng trực tuyến. "Bạn cũng cần tin tưởng tất cả những người ngồi trên chiếc ghế của bạn trước đó”, Coffman nói.

Một số phân khúc của nền kinh tế chia sẻ có thể nổi lên mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như máy bay phản lực loại nhỏ để chở các quản lý công ty hoặc xe ô tô màu đen cao cấp, chuyên gia Barr của PwC nói.

"An toàn sẽ là trải nghiệm mới”, ông nói.

Saif Benjaafar, giám đốc Sáng kiến ​​Kinh tế Chia sẻ của Đại học Minnesota, cho biết các nền tảng này là một phần của xu hướng lối sống đối với các dịch vụ hợp tác, theo nhu cầu, và đang mở rộng sang những lĩnh vực mới như y học và giáo dục.

"Đã có sự thay đổi trong cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ truyền thống, và tôi nghĩ điều đó sẽ tiếp tục. Tôi nghĩ mọi người đang trở nên quen với ý tưởng tìm đến một ứng dụng cho mọi thứ bất cứ khi nào họ cần”, Benjaafar nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả