menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Thị Thanh

Cơn địa chấn ở Shopee

Khung cảnh nhân viên lác đác ra vào văn phòng của nền tảng thương mại điện tử Shopee tại Singapore vào ngày 19/09 báo hiệu đây không phải là một buổi sáng thứ Hai bình thường.

Cơn địa chấn ở Shopee

Khi đó, một phát ngôn viên của Shopee nói với Business Insider rằng trong vài giờ tới, một tỷ lệ nhỏ nhân viên của công ty này sẽ nhận được đơn buộc thôi việc. Công ty này có hơn 67,000 nhân viên tính đến cuối năm 2021, theo Bloomberg. Vài giờ sau khi quá trình sa thải bắt đầu, LinkedIn tràn ngập bài đăng từ các nhân viên cũ bày tỏ về cú sốc cũng như sự suy sụp tinh thần khi bị chấm dứt hợp đồng.

Đợt sa thải lần này của Shopee diễn ra gần đúng một năm sau khi họ huy động được 6 tỷ USD thông qua việc bán cổ phần và trái phiếu vào tháng 09/2021. Vào thời điểm đó, đây là đợt huy động vốn lớn nhất ở Đông Nam Á.

Business Insider đã tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của Sea Limited và nhận thấy rằng mặc dù doanh thu tăng dần qua từng năm, song các khoản lỗ vẫn đang tăng lên. Hơn nữa, các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến Shopee nói riêng và những “gã khổng lồ” công nghệ nói chung gặp khó trong việc huy động vốn. Giờ đây, tư duy của công ty đang chuyển từ tăng trưởng sang bảo toàn tiền mặt.

Cơn địa chấn ở Shopee

Shopee được thành lập vào năm 2015 bởi doanh nhân người Singapore gốc Hoa Forrest Li. Nền tảng thương mại điện tử này ra mắt tại 7 thị trường trên khắp Đông Nam Á và từ đó mở rộng ra hoạt động ở tổng cộng 13 thị trường. Hiện nay, Li là CEO của Sea Limited, công ty đang niêm yết trên NYSE và sở hữu 100% Shopee cũng như công ty game Garena.

Mỗi quyết định mà công ty công khai trong 7 tháng qua đã báo trước nhiều vấn đề khác nhau, cả về tài chính và quy định, mà họ đang phải đối mặt.

Tháng 3, Shopee đóng cửa văn phòng tại Ấn Độ và sa thải 300 nhân viên. Động thái này diễn ra một tháng sau khi Chính phủ Ấn Độ can thiệp bằng quy định dẫn đến việc cấm một số ứng dụng, bao gồm cả Free Fire của Garena.

Cùng tháng, Shopee rút khỏi Pháp, thị trường duy nhất ở châu Âu mà họ có mặt.

Cuối tháng 8, Shopee huỷ bỏ một số lời mời làm việc, South China Morning Post đưa tin. Trong đó, một công dân Trung Quốc, là người nhận được lời mời làm việc, phát hiện lời mời đã bị rút lại khi anh ta vừa hạ cánh xuống Singapore cùng vợ và chó cưng của mình.

Đầu tháng 9, Shopee nói với các nhân viên rằng họ đã cho ngừng hoạt động ở Chile, Columbia, Mexico và hoàn toàn rút khỏi Argentina, theo Straits Times.

Cuối cùng, vào ngày 15/9, chỉ một vài ngày trước khi làn sóng sa thải bắt đầu, Li viết một bức thư dài 1,000 từ gửi cho nhân viên. Trong đó, ông cho biết những yếu tố thị trường bất lợi không phải là một cơn bão nhanh đến nhanh đi, đồng thời, khẳng định mục tiêu của công ty trong 12 – 18 tháng tới là tự cung tự cấp.

Cơn địa chấn ở Shopee

Li viết rằng công ty có nền tảng tiền mặt vững chắc, song vẫn cảnh báo họ có thể dễ dàng đốt sạch số tiền này nếu không thận trọng, và trong bối cảnh nhà đầu tư đang rút lui để tìm nơi trú ẩn an toàn, họ không thể lường trước được khả năng huy động vốn trên thị trường trong thời gian tới. Vị tỷ phú này cũng vạch ra một loạt biện pháp nhằm cắt giảm chi phí mà công ty sẽ thực hiện, bao gồm cả việc các giám đốc cấp cao nhất tạm thời không nhận lương.

Cơn địa chấn ở Shopee

Sea Limited mất khoảng 170 tỷ USD giá trị thị trường so với mức cao nhất mà họ đạt được vào tháng 10/2021, theo Bloomberg.

Các khoản lỗ hàng quý của họ ngày càng tăng và doanh thu không chuyển thành lợi nhuận trong quý 2 năm nay. Vào cuối quý 2, công ty bắt đầu đánh tín hiệu về những vấn đề sắp tới khi tạm ngừng đưa ra dự báo doanh thu cho mảng thương mại điện tử trong năm 2022.

Báo cáo tài chính của Sea Limited cho thấy doanh thu đang tăng và thương mại điện tử là động lực tăng trưởng lớn nhất. Trong quý 2, doanh thu của Sea Limited đạt 2.9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu của Shopee đạt 1.8 tỷ USD, tăng 75.6%.

Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty cũng tăng lên. Sea Limited ghi nhận khoản lỗ 931.2 triệu USD trong quý 2 năm nay, tăng đáng kể từ mức lỗ 433.7 triệu USD trong cùng kỳ năm trước và sau hai quý thua lỗ liên tiếp trước đó.

Trước những khoản lỗ ngày càng tăng, Sea Limited đã điều chỉnh và sau đó huỷ bỏ dự báo về doanh thu thương mại điện tử của năm nay.

Quý 4/2021, Shopee dự kiến doanh thu từ thương mại điện tử năm 2022 rơi vào khoảng 8.9 – 9.1 tỷ USD. Quý tiếp theo, công ty hạ dự báo đó xuống còn 8.5 – 9.1 tỷ USD. Và tới quý 2 năm nay, công ty cho biết họ tạm dừng đưa ra dự báo về mảng này.

Cơn địa chấn ở Shopee

Việc Shopee sa thải và giảm nhân sự diễn ra trong bối cảnh ngành công nghệ nói chung đang trải qua một cơn địa chấn về nhân sự.

Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang tổ chức lại các phòng ban và đưa một số nhân viên vào danh sách chuẩn bị cho thôi việc, cho họ một tháng để tìm kiếm vị trí khác trong công ty hoặc rời đi, Wall Street Journal đưa tin.

50 nhân viên của công ty ươm mầm khởi nghiệp Area 120 của Google cũng phải tìm và chuyển sang vị trí mới trong nội bộ hoặc có nguy có bị chấm dứt hợp đồng. Công ty mẹ của Snapchat là Snap Inc. đang có kế hoạch sa thải khoảng 20% trong tổng số khoảng 6,400 nhân viên, tức khoảng 1,200 nhân viên, CNN cho biết.

Shopee và những công ty này đều từng chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây. Sea Limited công bố doanh thu đạt 414 triệu USD trong năm 2017 và tăng lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021. Đà tăng trưởng ngoạn mục này chủ yếu được thúc đẩy bởi số vốn họ huy động được, đặc biệt là từ vòng gọi vốn kỷ lục hồi tháng 09/2021.

Tuy nhiên, so với thời điểm đó, thị trường hiện nay đã khác đi rất nhiều.

Để “hạ nhiệt” lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0.75% lên 3 – 3.25% vào ngày 21/09. Điều này có nghĩa chi phí vay đang tăng lên, đồng thời, lợi nhuận từ các tài sản ít rủi ro, như trái phiếu chính phủ Mỹ, lại hấp dẫn giới đầu tư hơn các cổ phiếu công nghệ, theo đánh giá của Motley Fool.

Đây là kịch bản mà ông Li ám chỉ tới trong bức thư gửi nhân viên vào ngày 15/09, rằng các nhà đầu tư đang tháo chạy để tìm nơi trú ẩn an toàn và đó là lý do tại sao nguồn vốn cho Shopee đang dần cạn kiệt. Để thay thế nguồn vốn từ bên ngoài, các doanh nghiệp thường sẽ tận dụng nguồn lực bên trong để tiếp tục tăng trưởng và mở rộng. Tuy nhiên, Sea Limited đã lỗ trong vài quý gần đây nên lựa chọn này không khả thi trong ngắn hạn.

Tất cả yếu tố này dẫn đến việc Shopee ưu tiên dòng tiền thông qua cắt giảm chi phí và hy sinh tăng trưởng. Kết quả, họ phải sa thải nhân viên và thay đổi tư duy theo cách ông Li nói trong bức thư gửi nhân viên.

“Trước đây, chúng tôi tập trung ưu tiên tăng trưởng, phải tăng trưởng bằng mọi giá. Đây không phải là cách tiếp cận sai lầm vì bối cảnh thế giới khi đó rất phù hợp. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi và chúng tôi cũng phải thích ứng”, ông Li viết.

Cơn địa chấn ở Shopee
Cơn địa chấn ở Shopee
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại