Cơn địa chấn Brexit và giai đoạn đầy thách thức đối với Thủ tướng Anh
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có một tuần lễ ngập tràn những sự kiện “không hài lòng” xung quanh cuộc khủng hoảng Brexit.
Mới nhất, trong ngày 7/9, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí, bà Amber Rudd đã quyết định từ chức, để phản đối cách xử lý của Thủ tướng trong vấn đề này.
Trong khi các nghị sĩ Anh cũng đang chuẩn bị hành động pháp lý trong trường hợp ông Boris Johnson không tuân thủ Dự luật về việc trì hoãn Brexit, vừa mới được Quốc hội Anh thông qua và dự kiến sẽ được Nữ hoàng Anh ký thành luật vào ngày 9/9.
Tuần qua, chính trường Anh đã trải qua những thời điểm biến động lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua: Từ quyết định tạm treo Nghị viện Anh của Thủ tướng Anh Boris Johnson, cho tới việc Hạ viện, Thượng viện Anh đều bỏ phiếu thông qua dự luật trì hoãn Brexit, nhằm ngăn chặn 1 Brexit không thoả thuận.
Đồng thời, Hạ viện Anh cũng đã bác bỏ luôn cả khả năng tổng tuyển cử sớm. Đây được xem là một “thất bại kép” của Thủ tướng Anh trong tuần vừa qua.
Chưa dừng lại ở đó, kết thúc tuần lễ, Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp tục nhận cú sốc lớn ngày hôm qua (7/9), khi Bộ trưởng cấp cao Amber Rudd quyết định từ chức, để thể hiện sự phản đối trước cách thức Thủ tướng đang “chèo lái” đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Trong bức thư từ chức gửi Thủ tướng Anh, bà Amber Rudd cho biết, bà không phản đối khả năng Brexit “không thỏa thuận” phải luôn được đặt trên bàn.
Tuy nhiên, mục tiêu của nước Anh không phải như vậy. Bà phản đối việc chính phủ Anh không theo đuổi một thỏa thuận với EU, mà chỉ chuẩn bị cho trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Ngoài ra, bà Amber Rudd cũng phản đối việc Thủ tướng Anh Boris Johnson khai trừ 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi những người này không bỏ phiếu ủng hộ Chính phủ Anh trong vấn đề Brexit.
Trong số những thành viên bị khai trừ, có các nhân vật nổi tiếng như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và nghị sĩ Nicholas Soames, cháu nội của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Theo bà, việc khai trừ những nghị sĩ Bảo thủ ôn hòa này là một cuộc tấn công nhằm vào “nền dân chủ và sự chuẩn mực”.
Cần phải nói thêm rằng, bà Amber Rudd là một thành viên từ chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May và từng ủng hộ việc ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng mới.
Một tin không vui nữa đến với Thủ tướng Anh, khi truyền thông nước này hôm qua (7/9) đưa tin, các nghị sĩ Anh, bao gồm cả những thành viên đảng Bảo thủ đã rời khỏi đảng, đang chuẩn bị một hành động pháp lý trong trường hợp ông Boris Johnson không tuân thủ Dự luật trì hoãn Brexit, dự kiến chính thức có hiệu lực vào ngày mai.
Nghị sĩ Công Đảng đối lập Anh, ông Hilary Benn cho biết:“Nếu chính phủ cố tình không thực hiện dự luật, dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai; nếu chính phủ không thi hành lệnh Tòa án yêu cầu, Thủ tướng nên từ chức.
Chúng tôi đang làm việc với 1 Thủ tướng, đi khắp đất nước nói rằng, ông ấy sẽ không thể làm những gì luật pháp yêu cầu.
Nếu vậy, ông ấy nên từ chức. Như vậy, ông sẽ không phải thực hiện những gì dự luật yêu cầu. thay vào đó, hãy để một Thủ tướng mới thực hiện nghĩa vụ đó”.
Theo dự luật, Thủ tướng Anh phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại khối này thêm 3 tháng - tức ngày 31/1/2020 - nếu Quốc hội không thông qua được một thỏa thuận Brexit vào ngày 19/10.
Theo hãng tin BBC, các nghị sĩ Anh hiện đã thành lập một nhóm pháp lý và sẽ sẵn sàng ra tòa để đạo luật được thực thi, nếu cần. Cựu Phó Thủ tướng David Lidington khẳng định, việc tuân thủ quy định của pháp luật là một nguyên tắc nền tảng trong bộ luật bộ trưởng, đồng thời nhấn mạnh rằng việc thách thức bất cứ đạo luật cụ thể nào đều sẽ đặt ra một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Thủ tướng Anh Boris Johnson tỏ ra kiên quyết không muốn Brexit bị trì hoãn đến lần thứ ba trong năm nay.
Thay vào đó, ông nỗ lực tổ chức bầu cử sớm vào ngày 15/10, với hy vọng động thái này sẽ giúp ông đưa nước Anh rời đi đúng thời hạn và bằng bất kỳ giá nào.
Hiện Thủ tướng Johnson đã chuẩn bị đối đầu với quốc hội khi nói rằng ông chỉ bị ràng buộc "về mặt lý thuyết" bởi đạo luật trì hoãn Brexit, đồng thời khẳng định, giải pháp duy nhất cho bế tắc Brexit là một cuộc bầu cử mới.
Trước đó, Thủ tướng Anh đã không nhận đủ sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch bầu cử. Một cuộc bỏ phiếu mới sẽ diễn ra vào ngày mai (9/9).
Các đảng đối lập, trong đó có Công đảng, cho hay họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng về kế hoạch này, cho đến khi dự luật buộc chính phủ Anh tìm cách gia hạn Brexit được thực thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận