‘Cơn bão’ nợ doanh nghiệp đang ‘bao trùm' nhiều nền kinh tế
Thời kỳ tiền rẻ kết thúc, nhiều doanh nghiệp trên thế giới có thể sẽ không chịu đựng được gánh nặng nợ.
Richard Cooper là một luật sư nổi tiếng tại Mỹ. Ông làm việc tại công ty luật hàng đầu Cleary Gottlieb và chuyên phụ trách tư vấn các vụ phá sản doanh nghiệp. Trong nhiều thập niên, ông đã tư vấn cho rất nhiều công ty trên toàn thế giới về những việc cần làm khi họ chìm trong nợ nần. Vì vậy, điện thoại của ông như một “tín hiệu cảnh báo” cho nền kinh tế toàn cầu. Và gần đây, nó đã đổ chuông rất nhiều.
Cooper từng “chinh chiến” trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, “cú sốc” giá dầu năm 2016 và đại dịch Covid-19. Và dường như ông đang phải đối mặt với một hiện tượng gần như tương tự một lần nữa khi một số công ty lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản. Không may, chúng xảy ra với tốc độ nhanh đến mức chỉ sau năm 2008.
Ông nhận định: “Tôi cảm giác tình hình lần này khác với những chu kỳ trước, có rất nhiều vụ vỡ nợ doanh nghiệp”. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, có lẽ bằng kinh nghiệm, vị luật sư dường như nhìn thấy một “cơn bão” nợ doanh nghiệp trị giá hơn 500 tỷ USD. Và nó đã bắt đầu “đổ bộ”.
Việc này khiến phố Wall lo lắng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại cũng như tạo sức ép cho thị trường tín dụng Mỹ.
Bloomberg viết, nhìn bề ngoài, nợ doanh nghiệp được hình thành do nhiều công ty suy yếu vì công nghệ thay đổi hay việc nhân sự lựa chọn làm việc từ xa - khiến nhiều tòa nhà văn phòng ở Hồng Kông (Trung Quốc), London và San Francisco bị bỏ trống.
Tuy nhiên, thực tế nó tiềm ẩn một vấn đề nghiêm trọng và rắc rối hơn: Các khoản nợ doanh nghiệp tăng mạnh trong thời kỳ tiền rẻ bất thường. Giờ đây, chúng lại trở thành “gánh nặng” khổng lồ khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. “Nỗi đau” sẽ càng thêm sâu sắc khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến của hầu hết các chuyên gia Phố Wall.
Trong thời kỳ lãi suất thấp, một số doanh nghiệp đã tích lũy quá nhiều nợ hay nhiều công ty “rủi ro cao” cũng có thể dễ dàng vay tiền.
Tại Mỹ, số lượng trái phiếu có lãi suất cao và các khoản vay có đòn bẩy - dành cho doanh nghiệp có nhiều nợ và ít khả năng thanh toán - đã tăng lên 3 nghìn tỷ USD vào năm 2021, trước khi Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên.
Trong cùng thời kỳ, các khoản nợ của các công ty phi tài chính ở Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn.
Còn ở châu Âu, doanh số bán trái phiếu rác tăng hơn 40% chỉ riêng trong năm 2021. Rất nhiều trong số lô trái phiếu này sẽ đáo hạn trong vài năm tới - góp phần tạo ra khoản nợ 785 tỷ USD sắp đến hạn thanh toán.
Với việc tăng trưởng có phần chậm lại ở châu Âu và Trung Quốc, cũng như việc Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thì những khoản nợ đó có thể quá sức chịu đựng đối với một số doanh nghiệp.
Dữ liệu cho thấy chỉ riêng ở châu Mỹ, số trái phiếu và khoản vay gặp vấn đề đã tăng hơn 360% kể từ năm 2021.
Bloomberg đưa tin, nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng, nó có thể dẫn đến chu kỳ vỡ nợ doanh nghiệp trên nhiều khu vực đầu tiên kể từ Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong năm nay, Mỹ đã có hơn 120 vụ phá sản lớn. Dù vậy, chưa đến 15% trong số gần 600 tỷ USD nợ xấu trên toàn cầu thực sự vỡ nợ. Điều đó có nghĩa hơn 500 tỷ USD khoản nợ doanh nghiệp đó có thể có 2 kịch bản, một là không trả được, hai là phải “vật lộn” mới trả được.
Trong tuần này, tổ chức đánh giá tín dụng Moody’s cho biết tỷ lệ vỡ nợ đối với các công ty có trái phiếu bị xếp hạng đầu cơ (speculative-grade) trên toàn cầu dự kiến đạt mức 5,1% vào năm 2024 - tăng từ mức 3,8% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023. Thậm chí, theo kịch bản bi quan nhất, tỷ lệ vỡ nợ này có thể tăng lên tới 13,7% - cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Kinh tế Mỹ vẫn kiên cường một cách đáng ngạc nhiên khi đối mặt với mức lãi suất tăng cao. Ngoài ra, lạm phát cũng đang giảm dần khiến nhiều người kỳ vọng sẽ có một cuộc hạ cánh mềm.
Tuy vậy, kinh tế Mỹ vẫn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Các vụ vỡ nợ càng gia tăng, càng có nhiều nhà đầu tư và ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay, từ đó, đẩy nhiều công ty vào tình trạng khó khăn khi các lựa chọn vay vốn “biến mất”.
Các vụ phá sản cũng gây áp lực lên thị trường việc làm khi người lao động bị sa thải, kéo theo sức chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút.
Bên cạnh đó, bất động sản thương mại ở các nước giàu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân do nhân sự có xu hướng lựa chọn làm việc từ xa khiến tỷ lệ tòa nhà trống tăng lên.
Dữ liệu cho thấy hơn 1/4 nợ xấu doanh nghiệp trên toàn thế giới, tương đương khoảng 168 tỷ USD có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cao hơn bất kỳ lĩnh vực đơn lẻ nào khác.
Một cuộc khảo sát của đơn vị tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy một nửa số công ty đa quốc gia lớn có kế hoạch cắt giảm diện tích văn phòng.
Trước đây, trong bối cảnh tín dụng nới lỏng, một số doanh nghiệp tư nhân đã phát đạt nhờ một công thức đơn giản: Tìm một công ty để mua, vay tiền từ Phố Wall, sau đó cắt giảm chi phí để kiếm lợi nhuận. Điều đó khiến các công ty đó mắc nợ rất nhiều, thường là các khoản vay có lãi suất thả nổi.
Điều đó sẽ không tạo ra nhiều “sóng gió” nếu Fed vẫn giữ mức lãi suất gần 0. Nhưng giờ đây, lãi suất đã tăng cao khiến các công ty đó bị đẩy gần đến "bờ vực".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận