menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Không riêng gì trên khắp thế giới, người dân nhiều nước ở Châu Á cũng đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt và ngân sách hộ gia đình đang bị căng thẳng, do giá nhà ở, xăng dầu, năng lượng và hàng tạp hóa tăng cao. Người ta hay gọi đó là 'cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt'.

Chi phí cao cắn xé các quán ăn ở châu Á: Họ đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: giữ nguyên giá và chịu mất tiền, hoặc tăng chi phí thức ăn và mất khách hàng

Hiện tại, chi phí tăng cao vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động từ chiến sự Nga - Ukraine và nhu cầu bị dồn nén bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm đã khiến ông chủ siêu thị Tokyo (suốt 30 năm), Hiromichi Akiba Akiba, người có 5 cửa hàng siêu thị ở quận Nerima và Suginami của Tokyo lâm vào thế lao đao. Ông cho biết: "Hiện chúng tôi đang phải trả thêm 1 triệu yên (8.300 USD) phát sinh mỗi tháng, tương đương với mức tăng 2%". Ông nói thêm, doanh thu hàng tháng là khoảng 300 triệu yên.

Người đàn ông 53 tuổi này hiện phải trả nhiều tiền hơn để đổ xăng cho 20 chiếc xe tải của mình, và hóa đơn tiền điện và khí đốt của ông ấy đang tăng mạnh. Chi phí thuê lao động cũng cao hơn do dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản giảm, và đại dịch Covid-19 khiến việc duy trì hoạt động bình thường trở nên khó khăn. Giá thực phẩm bán buôn đang tăng khi hậu cần và các chi phí khác tăng cao. Thế nên, Akiba đang chuẩn bị cho đợt lạm phát trên diện rộng.

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Chi phí năng lượng gia tăng dẫn đến lương thực, giá tiêu dùng thực phẩm cao hơn. Ảnh: @AFP.

Ông Akiba nói: "Chi phí thực phẩm đang làm căng thẳng ngân sách của các hộ gia đình và người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả. Một mặt, chúng tôi phải chịu thêm chi phí phát sinh tới 12 triệu yên hàng năm, nhưng mặt khác, chúng tôi không thể chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng, vì nếu như vậy sẽ dễ mất khách hàng trung thành, nhưng chúng tôi không thể trích lợi nhuận ra để trang trải chi phí tăng cao liên tục như vậy".

Không riêng gì tại Nhật Bản, Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng đang cảm thấy khó khăn về lương thực và năng lượng. Tại quầy bán rau củ của mình ở ngoại ô Mumbai, người ta có thể thấy vấn đề của Dnyaneshwar Uttam Sante trong túi nhựa đựng rau trộn mà anh ấy vừa đóng gói cho một khách hàng: Anh ta tính phí 450 rupee, tương đương gần 6 USD, cao hơn khoảng 80% so với một vài tuần trước đó.

"Tôi bất lực", Sante nói, ngay sau khi một khách hàng xôn xao về chi phí "không thể tin được" của một bình gas nấu ăn đã tăng gần 30% lên 960 rupee.

Phản ứng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ là minh chứng cho áp lực ngày càng tăng của châu Á. Thống đốc Shaktikanta Das nhiều tuần trước đã trích dẫn một "sự thay đổi kiến tạo" trong triển vọng kinh tế vĩ mô và lạm phát kể từ cuối tháng 2. Theo ông, về cơ bản chiến sự Nga - Ukraine đã "lật ngược câu chuyện trước đó" về áp lực giá đã dịu hơn trong khoảng tháng đầu tiên của năm trước khi nổ ra chiến sự. "Trong chuỗi các ưu tiên của chúng tôi, chúng tôi hiện đã đặt lạm phát lên trên tăng trưởng", Das nói.

Còn tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới nhận định, giá sản xuất tăng 8,3% so với một năm trước đó. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, lợi nhuận tại nhà hàng lẩu Ma Hong đã bị cắt giảm khoảng 20% kể từ khi chiến sự nổ ra. Giá thịt bò đã tăng hơn 50%. Chi phí của các sản phẩm thực phẩm quan trọng khác cũng đang tăng lên. Ma nói: "Ở khắp Bắc Kinh cũng vậy, chúng tôi không phải là nhà hàng duy nhất bị ảnh hưởng".

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Các gia đình phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Ảnh: @AFP.

Giá của những mặt hàng bị hạn chế nguồn cung trong thời kỳ đại dịch nay thậm chí còn cao hơn do chiến sự Nga - Ukraine. Mohammad Ilyas là đầu bếp tại một cửa hàng biryani ở Karachi, Pakistan. Anh cho biết giá một kg biryani, một món ăn từ gạo đã tăng gấp đôi. Hiện nó có giá khoảng 400 rupee Pakistan, tương đương 2,20 USD. "Tôi đã làm việc tại nhà bếp này trong 15 năm qua", anh nói. "Ngày nay, giá gạo và gia vị tăng quá mức khiến người nghèo không đủ tiền ăn".

Trong khi đó, một số nhà hàng cũng đang đối phó với áp lực chi phí bằng cách cung cấp cho khách hàng khẩu phần thức ăn nhỏ hơn. Tại một góc ẩm thực đường phố ở Jakarta, Indonesia, Syahrul Zainullah đã cắt khẩu phần một món cơm chiên Indonesia. Ông đã chọn làm điều này thay vì tăng giá, hoặc sử dụng các nguyên liệu chất lượng thấp hơn.

Tại Hàn Quốc, lạm phát ở mức cao nhất trong 12 năm qua. Choi Sun-hwa, một chủ cửa hàng kim chi, giải thích rằng giá bắp cải đã tăng lên rất nhiều. Kim chi theo truyền thống được phục vụ miễn phí cùng với các bữa ăn tại các quán ăn Hàn Quốc. Nhưng giờ đây ngay cả kim chi cũng trở thành một món ăn đắt tiền. Choi cho biết cô sẽ không thể tiếp tục kinh doanh cửa hàng của mình nếu không thể tăng giá. Còn Seo Jae-eun, một khách hàng tại cửa hàng của Choi cho biết, kim chi bây giờ nên được gọi là "keum-chi". Keum có nghĩa là "vàng" trong tiếng Hàn.

"Tôi không thể yêu cầu các nhà hàng cho thêm kim chi vào những ngày này", cô nói, "Và cũng quá đắt để tự làm ở nhà".

Thậm chí, áp lực về giá đang làm thay đổi cách ăn uống của một số người châu Á. Steven Chang thường xuyên đến Just Noodles, một cửa hàng mì ramen nổi tiếng ở Đài Bắc, Đài Loan. Hiện chàng trai 24 tuổi đang cân nhắc lại việc chi tiêu của mình.

"Tôi sống xa bố mẹ, vì vậy tôi dựa vào thức ăn ở nhà hàng nhiều hơn một chút", Chang nói. "Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hạn chế đi ăn ngoài và nấu nướng ở nhà nhiều hơn".

Có thể thấy, chi phí đã tăng trước khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra. Giờ đây, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á đang bị siết chặt hơn nữa. Với việc các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng USD và các ngân hàng trung ương đẩy lãi suất lên cao, khu vực này vốn có động lực tăng trưởng tiêu dùng của thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt. Khi người châu Á chật vật kiếm sống, các nhà lãnh đạo dự kiến tái đắc cử trong năm tới có thể phải đối mặt với cơn khủng hoảng nghiêm trọng này nếu mọi thứ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Kenta Goto, giáo sư tại khoa kinh tế tại Đại học Kansai ở Osaka cho biết: "Chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất có thể gây ra lực hãm cho nền kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm, sức mua của châu Á sẽ bị ảnh hưởng".

Tại Đông Nam Á, một số công ty đã tăng giá. Hãng điều hành taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro trong tháng này đã tăng giá vé lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, với lý do giá nhiên liệu tăng 10%.

Trong khi đó tại Thái Lan, Thai President Foods, nhà sản xuất mì ăn liền Mama cho biết họ sẽ tăng giá bán lẻ thêm 9% lên 6,00 baht (0,18 USD) / gói 90 gram. Điều này là bất thường bởi vốn dĩ đây là loại thực phẩm có giá cả phải chăng được tiêu dùng rộng rãi nhất.

Tương tự như vậy, các chuỗi cà phê của Đài Loan đang chuyển chi phí cho người tiêu dùng. Louisa Coffee, một chuỗi Coffee lớn đã tăng giá 40 sản phẩm, trong khi Cama Cafe dự kiến tăng giá lần đầu tiên sau 5 năm. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến các sản phẩm từ giấy vệ sinh đến gà rán tại đất nước này.

Điều này đã có thể thấy trong chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát của Thái Lan đã tăng 5,28% so với cùng kỳ năm ngoái – và cũng là mức cao nhất trong 13 năm qua, trong khi con số này ở Đài Loan là 2,36% vào tháng 2 vừa qua, và đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp mức tăng lạm phát vượt ngưỡng 2% - là mức báo hiệu sự xuất hiện của lạm phát.

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Một người phục vụ đổ xăng cho xe ba bánh tại một trạm xăng ở Manila vào ngày 8 tháng 3. Ảnh: @AFP / Jiji.

Khoảng 94% các nhà kinh tế khu vực tư nhân ở Singapore cho rằng, lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế trong một cuộc khảo sát vào tháng 2/2022 của ngân hàng trung ương, tăng từ mức 56% trong một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 12/2021. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cũng cảnh báo rằng, hóa đơn tiền điện tăng cao chắc chắn sẽ "tác động đến người dân Singapore".

Các đợt tăng giá mạnh đã khiến một số người dân lo lắng sâu sắc. Somchai Bua-gnern, 39 tuổi, lái xe tuk tuk người Thái cho biết: "Giá thịt lợn tăng vọt, giá trứng tăng và ngay cả thực phẩm rẻ như mì gói cũng đắt đỏ".

Chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới: Những cơn gió ngược có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng

Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng 2/2022 cho thấy, 92% người được hỏi lo lắng rằng chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới. Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng của BNP Paribas ở Nhật Bản cho biết, các công ty Nhật Bản thường hy sinh lợi nhuận để hấp thụ chi phí gia tăng, nhưng nếu lạm phát không ngừng thì "rất có thể" họ sẽ phải tính phí lên người tiêu dùng nhiều hơn.

"Hóa đơn tiền điện và gas đang tăng. Tôi lo lắng không biết chúng ta sẽ thấy những tác động như thế nào đối với cuộc sống hàng ngày", một người nội trợ 60 tuổi ở Tokyo cho biết. Bà ấy đã mua sắm ít hơn và ở những cửa hàng rẻ hơn "bởi vì ngay cả khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, thu nhập của chúng tôi cũng không tăng".

Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI cho rằng, lạm phát sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới và tiền lương thực tế sẽ bị siết chặt. Ông Ueno cho biết: "Khi các quốc gia đang dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, thế giới cuối cùng cũng sắp trở lại bình thường trong năm nay. Tuy nhiên, do cuộc chiến Ukraine, những cơn gió ngược có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh giá hàng hóa tăng, và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng".

Chiến sự Nga - Ukraine đặt ra bài toán nan giải về nguồn cung và giá của phân bón, thức ăn chăn nuôi tại Châu Á

Ở một góc độ khác, có thể thấy cuộc chiến của Nga đang phát huy tác động vào thời điểm tồi tệ hơn. Vốn dĩ Nga là nước xuất khẩu lớn các loại phân bón như kali và amoni nitrat, trong khi Ukraine là nhà cung cấp ngô và lúa mì chính. Hiện nay, có những lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai.

Một nông dân trồng cà chua ở Tokyo cho biết, một số nhà cung cấp phân bón đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Người nông dân này còn cho biết: "Tôi đã xoay sở đủ để đảm bảo cho mùa vụ này, nhưng tôi sẽ phải trả nhiều tiền hơn và tranh giành phân bón trong tương lai". Trong khi đó, giá dầu tăng cao, vốn cũng được sử dụng để giữ ấm cho các nhà kính, nay đã khiến chi phí của ông tăng thêm 300.000 yên mỗi năm.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy thức ăn chăn nuôi Thái Lan Pornsilp Patcharintanakul cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy chi phí sản xuất thịt và gia cầm lên cao. Giá ngô tăng gần 20% so với năm ngoái và giá đậu tương tăng 25%. Ông nói: "Chúng tôi đã đạt đến ngưỡng rằng, Chính phủ nên làm điều gì đó để giúp hạn chế sự gia tăng của giá thức ăn chăn nuôi".

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Một nông dân trồng lúa ở tỉnh Saitama của Nhật Bản. Akio Shibata, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản nói: "Ở châu Á, gạo là một mặt hàng quan trọng - sự thiếu hụt có thể dẫn đến rối loạn tàn khốc. Ảnh: @Wataru Ito.

Khủng hoảng gạo- cái đinh nhọn khiến Châu Á dễ biến động

Akio Shibata, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể đe dọa sản xuất lúa gạo và dẫn đến tình trạng bất ổn. "Lương thực là yếu tố ổn định xã hội, và điều đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các nước đang phát triển là giá của nó phải ổn định. Ở châu Á, gạo là một mặt hàng quan trọng hàng đầu, thế nên sự thiếu hụt nguồn cung hay tăng giá quá cao có thể kích hoạt chế độ rối loạn kinh tế tàn khốc di chuyển từ nước này sang các nước khác ở Châu Á chỉ trong thoáng chốc.

Nhiều chính phủ châu Á cố gắng kiềm chế lạm phát vì sợ bị ảnh hưởng đến chính trị

Trong khi đó, một số chính phủ châu Á đang cố gắng kiềm chế lạm phát vì sợ bị ảnh hưởng đến chính trị, bất bình đẳng cũng như căng thẳng xã hội. Gần đây, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc ngày 15/3 ước tính tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ giảm 0,2% và cán cân tài khoản vãng lai của nước này sẽ giảm 2 tỷ USD nếu giá dầu tăng 10%. Để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, chính phủ đã gia hạn cắt giảm 20% thuế đối với doanh số bán xăng và dầu diesel thêm ba tháng cho đến cuối tháng 7 năm nay.

Trong khi đó, vào đầu tháng này, Thái Lan cho biết họ sẽ giới hạn giá dầu diesel ở mức 30 baht / lít. Đài Loan cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự bằng cách giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm miễn thuế kinh doanh 5% đối với đậu nành, ngô và lúa mì, giảm một nửa thuế đối với bơ, sữa bột và giảm thuế hàng hóa đối với nhiên liệu dầu diesel và xăng.

Một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng

Kensuke Tanaka, Trưởng bộ phận Châu Á của OECD cho biết: "Tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn. "Chúng tôi đang sống qua sự bất ổn lớn".

Irfan Qureshi, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được.

"Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của họ một cách chặt chẽ và không bị tụt lại phía sau đường cong", Qureshi nói. "Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội".

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Không riêng gì trên khắp thế giới, người dân nhiều nước ở Châu Á cũng đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt và ngân sách hộ gia đình đang bị căng thẳng, do giá nhà ở, xăng dầu, năng lượng và hàng tạp hóa tăng cao. Ảnh: @AFP.

Tại Nhật Bản, chính phủ của Kishida tiết lộ rằng, họ dự định đưa ra một gói cứu trợ để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu và vật liệu tăng. Gói này sẽ được chuẩn bị vào cuối tháng 4, trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7.

Trong khi đó, Philippines, do tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 nên họ đã phát hành 3 tỷ peso (57 triệu USD) trợ cấp nhiên liệu cho người lái xe công ích và nông dân vào đầu tháng này. Vài ngày sau đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê duyệt 200 peso trợ cấp hàng tháng cho các gia đình nghèo, nhưng đã tăng lên 500 peso sau những lời chỉ trích rằng số tiền ban đầu là một khoản quá ít.

Một nhà phân tích của Asia Plus cho biết: "Nếu chính phủ không kiềm chế được lạm phát và nhiều người hơn cảm thấy sức nóng của việc chi phí sinh hoạt tăng trong một thời gian dài, thì điều đó sẽ tạo ra sự giận dữ".

Singapore, Hàn Quốc dẫn đầu các ngân hàng trung ương châu Á đối phó với lạm phát

Các nền kinh tế châu Á cùng với Canada và New Zealand tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới. Cụ thể, Singapore và Hàn Quốc đều thắt chặt chính sách tiền tệ, sau khi Canada và New Zealand tăng lãi suất, khi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nhanh chóng linh hoạt để ngăn chặn lạm phát tăng cao có nguy cơ làm trật bánh phục hồi kinh tế thế giới mong manh.

Trong khi bốn ngân hàng trung ương 4 quốc gia này bắt đầu thắt chặt chính sách vào năm ngoái để ngăn chặn tình trạng tăng giá do tắc nghẽn hậu cần do đại dịch Covid-19 gây ra, thì cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 tiếp tục làm gia tăng áp lực nguồn cung, khiến các nhà hoạch định chính sách cấp bách phải đưa ra kế hoạch tăng lãi suất mới để kiềm chế lạm phát.

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Không riêng gì trên khắp thế giới, người dân nhiều nước ở Châu Á cũng đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt và ngân sách hộ gia đình đang bị căng thẳng, do giá nhà ở, xăng dầu, năng lượng và hàng tạp hóa tăng cao. Ảnh: @AFP.

Vào ngày 14/4, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã nâng 0,25% lãi suất cơ bản hiện hành lên 1,5%/năm. Kể từ sau khi bùng phát dịch COVID-19, lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc từng giảm xuống 0,5%/năm. Sau đó, BOK đã 4 lần nâng lãi suất vào tháng 8 và tháng 11 năm ngoái, tháng 1 năm nay và lần này, tổng cộng lãi suất đã tăng 1%. BOK đưa ra quyết định khi lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đạt mức 4,1% vào tháng 3, cao hơn so với mức 3,75% vào tháng 2.

Còn theo Reuters, Singapore hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại giá cả leo thang do ảnh hưởng từ căng thẳng Ukraine và Nga. Đồng đô la Singapore (SGD) sẽ có xu hướng tăng mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) điều chỉnh các thông số chính sách tiền tệ để quản lý rủi ro lạm phát.

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS ) hôm 14/4 đã siết chặt chính sách tiền tệ trước các áp lực lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine. MAS quản lý chính sách tiền tệ thông qua sử dụng tỷ giá hối đoái thay vì lãi suất. Lí do là dòng chảy thương mại tự do sẽ khiến đồng đô la Singapore biến động tăng hoặc giảm so với các đối tác thương mại chính mà không chịu một giới hạn nào.

MAS dự kiến điều chỉnh chính sách thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ chính sách. Hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng MAS sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Singapore cũng nâng dự báo lạm phát cơ bản trong năm nay từ 2,5-3,5% và dự báo giá tất cả các mặt hàng sẽ tăng dao động từ 4,5% đến 5,5%.

"Cơn bão" chi phí sinh hoạt càn quét, các nền kinh tế Châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng

Có thể thấy, chi phí đã tăng trước khi Nga xâm lược Ukraine. Giờ đây, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á đang bị siết chặt hơn nữa. Ảnh: @AFP.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo cho biết: "Chúng ta có thể thấy nhiều ngân hàng trung ương châu Á thúc đẩy thời điểm tăng lãi suất. Điều đó có thể làm tổn hại đến tăng trưởng nhưng với lạm phát đang trở thành mối lo ngại sắp xảy ra, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn".

Các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương phần lớn tụt hậu so với Hoa Kỳ và Châu Âu mở cửa trở lại sau đại dịch, điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương ở Úc, Ấn Độ và Đông Nam Á cho đến nay hầu như chỉ coi áp lực lạm phát là nhất thời, tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy sự phục hồi của họ. Nên Singapore, Hàn Quốc và New Zealand, Canada là những trường hợp ngoại lệ và họ đặc biệt lo ngại về chi phí giá nhập khẩu tăng và sự bất ổn định tài chính nói chung.

Hầu hết các nhà kinh tế Hàn Quốc đã dự đoán tình trạng này sẽ giảm nhưng phải chờ đợi sự bổ nhiệm của một thống đốc mới, nhưng với lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang ở mức cao nhất một thập kỷ, nên việc chờ đợi không phải là một lựa chọn. Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho cho biết, Singapore, Hàn Quốc, New Zealand và Canada là một phần của nhóm nhận thấy nhu cầu cấp thiết để vượt qua mối đe dọa lạm phát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại