Cơn ác mộng của chính quyền Biden: Nga-Trung hình thành thế trận chung chống Mỹ
Sự gia tăng hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ và cản trở nỗ lực của Biden trong việc củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác.
Đây sẽ là phép thử quan trọng nhất đối với vai trò lãnh đạo của ông Biden, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.
Nga và Trung Quốc đều tăng cường các động thái quân sự
Các hoạt động quân sự của Nga và Trung Quốc thời gian gần đây đã khiến Mỹ lo lắng. Trong tuần qua, Nga đã gia tăng triển khai binh lực và khí tài với quy mô lớn chưa từng có tại khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine. Còn Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam của Đài Loan. Cả vấn đề Đài Loan và Ukraine đều được xếp vào diện ưu tiên trong chương trình nghị sự của Mỹ bởi chúng liên quan đến các lợi ích cốt lõi của Washington.
Ngay cả khi hành động của Nga và Trung Quốc không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự và hầu hết các chuyên gia vẫn tin rằng điều này rất khó xảy ra, thì quy mô và cường độ các hoạt động quân sự nói trên vẫn khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”. Các quan chức của Mỹ và đồng minh không thể bác bỏ một thực tế là Matxcơva và Bắc Kinh đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và gia tăng khả năng phối hợp cả về hành động lẫn chiến lược.
Ông William J. Burns, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết: “Các hoạt động quân sự của Nga đã gia tăng đến mức có thể cung cấp cơ sở cho một cuộc tấn công quân sự hạn chế. Đó là điều mà Mỹ và đồng minh phải hết sức thận trọng”.
Đối với Trung Quốc, Bản báo cáo Đánh giá mối Đe dọa Thường niên của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết: “Trung Quốc đang cố gắng lợi dụng sự hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực và mở rộng ảnh hưởng của nước này”. Báo cáo cảnh báo về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được "sự thay đổi địa chính trị quan trọng", trong đó có việc tăng cường các hoạt động hải quân và không quân ở châu Á để có được sự kiểm soát đối với các khu vực tranh chấp.
Bài báo cũng gửi thông điệp cảnh báo đến Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh: “Trung Quốc và Nga hiểu rõ tầm quan trọng của quan hệ song phương … Thành thật mà nói, không quốc gia nào trong khu vực có thể đơn độc chống lại Trung Quốc hoặc Nga, chứ chưa nói đến việc chống lại sự hợp tác giữa hai cường quốc. Sẽ là thảm họa cho bất kỳ quốc gia nào có xu hướng đối đầu với Trung Quốc và Nga thông qua việc thành lập một liên minh với Mỹ”.
Khi được hỏi về khả năng thành lập một liên minh quân sự chính thức với Trung Quốc vào tháng 10/2020, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Về mặt lý thuyết thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra”.
Thách thức lớn đối với chính quyền Biden
Các hoạt động quân sự của Nga và Trung Quốc đã làm phức tạp chương trình nghị sự của Tổng thống Biden. Trong tuần qua, chính quyền Biden đã sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để đối phó Nga, một mặt kêu gọi Matxcơva xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh, mặt khác tăng cường các biện phát trừng phạt. Ngày 13/4 vừa qua, Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với tổng thống Putin, báo hiệu rằng ông không muốn leo thang căng thẳng.
Ngay sau đó, ngày 14/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án các hoạt động quân sự của Nga. Phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ được thực hiện vào ngày 15/3 khi chính quyền Biden công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với 38 thực thể của Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng, trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga đồng thời cấm các tổ chức tài chính của Mỹ mua trái phiếu của chính phủ Nga.
Đối với Trung Quốc, ông Blinken cho biết chính quyền lo ngại về các hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan và cảnh báo việc sử dụng vũ lực tại Tây Thái Bình Dương. Ngày 13/4, Mỹ đã cử một phái đoàn gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd, các cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đến thăm Đài Bắc.
Việc Nga-Trung đồng thời tạo ra những thách thức đối với Mỹ trong khoảng thời gian 100 ngày đầu Tổng thống Biden lên nắm quyền có lẽ nằm trong tính toán của cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Cả Trung Quốc và Nga đều muốn tạo ra nhiều đòn bẩy hơn, đồng thời thiết lập những ranh giới về mặt chính trị và quân sự đối với Mỹ trước khi Tổng thống Biden hoàn tất chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại và bổ nhiệm đầy đủ các vị trí chủ chốt trong chính quyền.
Vấn đề Đài Loan và Ukraine đã làm phức tạp thêm kế hoạch của chính quyền Biden nhằm thực hiện các hành động một cách nhất quán, liền mạch, trong đó nhấn mạnh sự đổi mới của nước Mỹ là điều kiện tiên quyết để Washington phát huy vai trò lãnh đạo toàn cầu một cách hiệu quả.
Mục tiêu của Tổng thống Biden là dập tắt dịch bệnh Covid-19 bằng cách đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, khôi phục kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua việc triển khai các gói kích cầu kinh tế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, khôi phục quan hệ với các nước đồng minh – điều đã được khẳng định trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Bên cạnh đó, chính quyền Biden cũng phải đối mặt với một số thách thức chính sách đối ngoại khác, từ việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đến nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Có rất nhiều vấn đề đang chờ đợi tổng thống Mỹ phải giải quyết nhưng cách ông Biden ứng phó với thách thức ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc sẽ góp phần định hình kỷ nguyên của nước Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận