Cởi nút thắt khu vực tư để thúc kinh tế phát triển
Cho rằng, tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, các đối tác phát triển khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung cởi bỏ các nút thắt để có một khu vực tư nhân phát triển.
“Cởi” nút thắt của khu vực tư nhân
Có tới 8 nhóm khuyến nghị chính sách đã được các đối tác phát triển của Việt Nam gửi tới Tổ Biên tập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Tất cả các khuyến nghị đều quan trọng và có ý nghĩa, song những đề xuất liên quan đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của dư luận.
“Tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này thông qua môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường”, ông Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.
Đại diện cho nhóm các đối tác phát triển, ông Osmane Dione khẳng định, hiện có tới 6 nút thắt liên quan đến sự phát triển của khu vực tư nhân cần được gỡ bỏ, liên quan đến môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng vật chất, doanh nghiệp nhà nước và sân chơi bình đẳng, thể chế quản lý, năng lực công ty và vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
“Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải cách quan trọng nhằm giảm chi phí kinh doanh bằng cách tinh giản bộ máy quan liêu và môi trường thuận lợi cho kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện tương đối tốt, nhưng vẫn còn những vấn đề liên quan đến thủ tục phá sản”, ông Osmane Dione nói.
Viện dẫn Báo cáo Doing Business 2019 của WB vẫn xếp Việt Nam ở thứ hạng 133 trong tổng số 190 nền kinh tế trong giải quyết phá sản, ông Osmane Dione cho rằng, việc không có khả năng giải quyết nợ xấu có lợi cho chủ nợ đang cản trở đầu tư.
Trong khi đó, liên quan đến câu chuyện doanh nghiệp nhà nước, một lần nữa, việc tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và nhà nước tiếp tục được các đối tác đặt ra. Đây là điều đã luôn được nhấn mạnh tại các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp, các kỳ Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Thậm chí, không chỉ tiếng nói từ các chuyên gia quốc tế, mà các chuyên gia Việt Nam cũng có những cái nhìn tương đồng về việc tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và nhà nước.
“Mặc dù Việt Nam đã có cam kết trong nước và quốc tế trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, song việc thực hiện chậm đã gây trở ngại cho việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính, cơ hội thị trường cho khu vực tư nhân và tăng trưởng năng suất”, ông Osmane Dione nói.
Và bởi vậy, các khuyến nghị được đề cập là phải xác định doanh nghiệp nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp không trọng yếu và loại bỏ đặc quyền chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, tăng cường vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để buộc doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm cả về hoạt động tài chính và phi tài chính…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Văn phòng Tổ Biên tập Chiến lược đã nhận được 8 nhóm khuyến nghị chính sách của các đối tác phát triển, bao gồm tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát triển bền vững (bao gồm cả biến đổi khí hậu); các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng; vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; nguồn vốn con người và phát triển xã hội; tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước và các vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam.
Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được các khuyến nghị chính sách từ các đối tác phát triển để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Tất nhiên, một yếu tố quan trọng khác là phải tăng cường năng lực của công ty. Bởi như các đối tác phát triển nhận định, trong 15 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước chính thức hoạt động tăng gấp 10 lần, song năng suất chưa được cải thiện. Việc kết nối với khu vực đầu tư nước ngoài cũng vậy. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Trên thực tế, đây không phải là các khuyến nghị mới. Thời gian gần đây,Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân như một động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong Dự thảo Chiến lược 10 năm 2021-2030, khu vực tư nhân tiếp tục được xác định là động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế. Quan trọng là làm sao để thực hiện nó.
“Những khuyến nghị này cần được thực hiện trong vòng 5 năm tới. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và hỗ trợ chính sách cho phía Việt Nam”, ông Osmane Dione khẳng định.
Tập trung tái cơ cấu khu vực tài chính - ngân hàng
Cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, theo các đối tác phát triển, để nền kinh tế có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam cũng cần tập trung tái cơ cấu khu vực tài chính - ngân hàng. “Các tồn tại của Luật Các tổ chức tín dụng, tính minh bạch tài chính và tính độc lập trong chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương là điều cần quan tâm”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu.
Theo ông Eric Sidgwick, thời gian qua, việc quản lý chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, thì Ngân hàng Nhà nước cần có sự độc lập lớn hơn.
“Nên quy định nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước để cho phép can thiệp chính sách tiền tệ dựa trên thị trường nhiều hơn, để quản lý tỷ giá linh hoạt hơn, ổn định lãi suất liên ngân hàng và chuyển dần sang lạm phát mục tiêu”, ông Eric Sidgwick nói.
Một vấn đề quan trọng khác của khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam, đó chính là thiếu vốn. Dẫn nghiên cứu của Fitch Ratings hồi tháng 9/2018 rằng, các ngân hàng Việt Nam cần được rót vốn ước tính khoảng 20 tỷ USD để thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn Basel II, ông Eric Sidgwick khuyến nghị, cần tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước thông qua cổ phần hóa mạnh mẽ hơn, giữ lại lợi nhuận và thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi.
Bên cạnh đó, nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên ít nhất 51%, bởi điều này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới các ngân hàng Việt Nam. “Để bảm bảo sự an toàn và lành mạnh của khu vực tài chính, Việt Nam phải tiến tới giám sát an toàn dựa trên rủi ro, tránh giám sát dựa trên tuân thủ”, ông Eric Sidgwick khuyến nghị.
Các đối tác phát triển cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường vốn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào dòng vốn tín dụng từ ngân hàng.
“Để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh chủ yếu phải dựa vào một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn bất cập cản trở sự phát triển của hệ thống ngân hàng, như cơ cấu pháp lý, quy định và thể chế hiện hành của hệ thống ngân hàng không theo kịp được với mức độ phát triển kinh tế và tăng trưởng của hệ thống ngân hàng”, ông Eric Sidgwick bình luận.
Trong khi đó, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, để thoát bẫy thu nhập trung bình, bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao, thì việc hoàn thiện thể chế là yêu cầu tiên quyết. “Dù đạt mức tăng trưởng cao 7-8% mà thể chế không phù hợp, thì cũng khó có thể thoát bẫy thu nhập trung bình”, đại diện UNDP nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, thể chế cũ không thể tạo ra những điều kiện để Việt Nam đi tiếp trở thành quốc gia thu nhập trung bình thành công. Bởi thế, cải cách thể chế tiếp tục là một đột phá chiến lược trong thời kỳ phát triển mới của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận