“Cởi mở” tín dụng hơn cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần cởi mở hơn trong việc cấp tín dụng để không ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi.
Tính đến cuối quý I/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020, dù cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước (1,3%), song vẫn thấp hơn mức tăng 3,13% của quý I/2019.Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. (Ảnh: Nhân viên ngân hàng (phải) tư vấn cho khách hàng là một doanh nghiệp tại Đà Nẵng)
“Nút thắt” tín dụng
Theo giới chuyên gia, có được mức tăng trưởng trên một phần cũng bởi một lượng dư nợ không nhỏ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2020, các TCTD đã có cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng với số dư nợ lên tới 355.000 tỷ đồng.
Vậy lý do vì đầu mà tín dụng tăng trưởng chậm như vậy? Lãi vay chắc chắn không phải là nguyên nhân khi mà hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cũng không phải cầu tín dụng yếu như cùng kỳ năm trước, bởi hiện nền kinh tế đang trên đà phục hồi khá nhanh khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,48%, cao hơn nhiều mức tăng 3,68% của cùng kỳ năm trước; trong đó cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều phục hồi tích cực, đặc biệt xuất khẩu tăng trưởng tới 22%.
Cũng không do thiếu vốn khi mà hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, mặc dù cung-cầu tín dụng đều lớn, song tín dụng tăng chậm chủ yếu do khả năng đáp ứng điều kiện để vay được vốn cũng như khả năng trả nợ thấp, các ngân hàng lo nợ xấu nên rất thận trọng không dám mạnh tay cho vay.
Ngân hàng nên “dễ tính” hơn
Theo phản ánh của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, hiện các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mới cho vay.
“Sau một năm vật lộn với khó khăn vừa qua, nguồn vốn của chúng tôi đã cạn kệt. Vì thế, chúng tôi rất cần vay vốn để có thể thực hiện các đơn hàng. Thế nhưng, các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo mới xét duyệt cho vay, trong khi nhà xưởng mày móc của chúng tôi đã cầm cố hết vào các khoản vay cũ”, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội than thở.
Mong muốn của vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên cũng như nhiều doanh nghiệp khác là được các ngân hàng cho vay tín chấp hoặc cho vay dựa trên dòng tiền phải thu để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội.
Thừa nhận thực tế này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên giờ muốn cứu họ thì không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được. “Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay dựa trên hàng tồn kho, dựa trên các khoản phải thu của khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, hiện cơ hội đang mở ra với các doanh nghiệp khi kinh tế thế giới đang phục hồi, nhất là khi nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sẽ có hiệu lực trong nay mai. Vì thế, các ngân hàng cũng cần “cởi mở” hơn trong việc cấp tín dụng, thay vì đòi hỏi tài sản đảm bảo.
Kết quả cuộc điều tra mới đây do Vụ Dự báo Thống kê NHNN thực hiện cũng cho thấy, các TCTD nhận định mức độ rủi ro của khách hàng sẽ giảm nhẹ từ quý II/2021. Trước đó, các TCTD cũng dự kiến sẽ tiếp tục “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng trong năm 2021. Hy vọng rằng, điều đó sẽ xảy ra trên thực tế để các doanh nghiệp không bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận