Coi chừng sập bẫy lừa tuyển bán hàng online
Với thủ đoạn lập ra các fanpage trên mạng xã hội, thành lập công ty rồi tuyển cộng tác viên bán hàng online chiết khấu hậu hĩnh, một nhóm đối tượng khiến hàng nghìn người sập bẫy lừa, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ.
Vụ án được phanh phui là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, cần phải hết sức cảnh giác trước những cạm bẫy, cám dỗ trên không gian mạng. Bởi nếu không tỉnh táo, bản thân mình có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Trần tình của người phụ nữ thất nghiệp mắc bẫy lừa
Cầm lá đơn trên tay, chị L.N.A. (26 tuổi), quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cứ ngập ngừng mãi ở cửa phòng trực ban Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ đến khi được đồng chí Thái Thị Thu Huyền, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án, ân cần động viên, an ủi thì người phụ nữ này mới mạnh dạn trình báo về quá trình bị biến thành nạn nhân trong đường dây lừa cộng tác viên (CTV) bán hàng online trong toàn quốc mà Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt xóa thành công cách đây chưa lâu.
Theo tường trình của chị N.A, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị bị thất nghiệp, phải về quê và đang nuôi con nhỏ. Đang bí bách về tiền bạc, việc làm thì trong một lần lướt web, chị thấy có một doanh nghiệp có trụ sở ngoài Bắc đăng tuyển cộng tác viên bán hàng online khắp toàn quốc, trong đó có địa bàn Hà Tĩnh. Nhận thấy công việc cũng nhàn hạ, lại phụ hợp với mình nên chị N.A đã liên hệ qua mạng xã hội xin việc làm.
Chị được nhân sự của fanpage này hướng dẫn nhiệt tình để trở thành mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp này. Ban đầu, chị có chút nghi ngờ nên định không tham gia, nhưng sau khi gọi điện cho một người bạn ở TP Hà Tĩnh để nhờ tư vấn, thật tình cờ là người này cũng đang đứng ra làm đại lý trung gian về việc tuyển cộng tác viên cho doanh nghiệp này ở địa bàn Hà Tĩnh. Thấy người thật, việc thật nên chị N.A. đã hoàn toàn tin tưởng, nộp tiền để được ăn chia hoa hồng mỗi ngày, bất luận hàng có bán được hay không, như lời quảng bá và hứa hẹn ban đầu từ những người đã đi trước.
Tuy nhiên, chị L.N.A., cũng như hàng nghìn người khác trên khắp cả nước, chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi của một nhóm đối tượng, cấu kết với nhau để móc túi của những người đang khao khát có được việc làm trong thời buổi dịch giã hoành hành như hiện nay.
Đầu năm 2021, từ những lá đơn tố cáo của người dân về hình thức lừa đảo trên không gian mạng, với phương thức, thủ đoạn tương tự nhau nên lực lượng cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã tiến hành truy vết. Qua đó, phát hiện một nhóm hơn 10 đối tượng trên địa bàn có biểu hiện bất minh về kinh tế, nghi vấn móc nối với các đối tượng ngoại tỉnh hoạt động lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh.
Sau hơn 4 tháng kiên trì điều tra, Ban chuyên án đã triển khai lực lượng đến 45 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước để thu thập tài liệu, chứng cứ và đến đầu tháng 4-2021, khi đã có đầy đủ tài liệu, hồ sơ chứng minh quá trình phạm tội của các đối tượng, lực lượng đánh án của Phòng Cảnh sát Hình sự cùng hàng trăm cán bộ các Phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương của Công an Hà Tĩnh đã được điều động để bóc gỡ đường dây lừa đảo này.
Ban chuyên án đã tiến hành bắt giữ, triệu tập hơn 100 đối tượng, thu giữ 4 ôtô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động; 3,6 tỷ đồng tiền mặt và hơn 30 thùng hàng là tang vật trong vụ án. Hai đối tượng cầm đầu được xác định là Lê Huy Nhật, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hoá và Nguyễn Hữu Hiếu, cùng sinh năm 1993, trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng này đã thuê đến 4 công ty luật nổi tiếng trên cả nước tư vấn trong quá trình hoạt động, song trước chứng cứ sắc bén cùng lập luận vững chắc của Cơ quan CSĐT, các đối tượng đã phải nhận tội.
Ngày 16-4-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với Lê Huy Nhật, Nguyễn Hữu Hiếu và 36 đối tượng khác về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án hiện vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, ổ nhóm này nằm trong đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, với quy mô đặc biệt lớn, được hình thành từ năm 2018, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, tính chất chuyên nghiệp với hơn 100 đối tượng tham gia chia thành nhiều chi nhánh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP Hồ Chính Minh...
Phương thức hoạt động của các đối tượng là lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.
Ma trận lừa cộng tác viên bán hàng online
Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. "Mồi nhử" mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn, như: "Cần tuyển 100 công tác viên bán hàng trên phạm vi toàn quốc, lương mỗi tháng từ 10 đến 15 triệu đồng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì nhập hàng từ công ty về bán cho khách; cộng tác viên chỉ cần đăng bài mỗi ngày, nếu không có khách sẽ được hưởng 50.000 đồng/ngày, nếu có khách và bán được hàng thì hưởng 100.000 đồng/ngày, mỗi sản phẩm bán ra được hưởng chênh lệch 10 đến 20%...". Với thủ đoạn như trên, từ tháng 10-2018 đến nay, hàng chục nghìn người trên cả nước đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này.
Để các nạn nhân sập bẫy, sau 1-2 ngày khi cộng tác viên đăng bài, các nghi phạm trong đường dây mới sử dụng facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt mua hàng với số lượng lớn. Vì ham lợi nhuận, hưởng phần trăm hoa hồng mà hàng nghìn cộng tác viên bán hàng online đã bỏ tiền ra mua hàng của đường dây này để rồi bị "xù" đơn hàng và phải ôm đống hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Bởi, khi có người mua hàng, cộng tác viên sẽ liên hệ để đặt hàng tại trang fanpage bán hàng để nhận sản phẩm. Khi hàng đã đến tay của cộng tác viên, những người đặt mua hàng trước đó tự "bốc hơi", không để lại dấu vết, hàng cũng không hoàn lại vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là ảo, không có thật.
Lúc này, các cộng tác viên sẽ phải ôm một số lượng hàng hoá có giá trị thật chênh lệch từ 40-50 lần so với số tiền bỏ ra, nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng. Với phương thức, thủ đoạn như vậy, đường dây lừa đảo này đã hoạt động trong suốt một thời gian dài, với hệ thống chân rết trải rộng trên khắp địa bàn cả nước. Thậm chí, những kẻ cầm đầu đường dây còn thành lập các công ty và thông qua các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, quảng cáo cho hoạt động của mình. Tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng và trong 3 tháng đầu năm 2021, các đối tượng đã lừa hơn 3.000 bị hại trên khắp cả nước.
Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ trước đến nay có rất nhiều phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, song lừa bằng cách tuyển cộng tác viên bán hàng online để chiếm đoạt chính tiền của người đó, thì lần đầu mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Quá trình đấu tranh, lực lượng đánh án có lúc bị "choáng ngợp" bởi số nạn nhân bị lừa đảo lên đến hàng nghìn người. Thậm chí, khi đã xác định rõ phương thức thủ đoạn của loại tội phạm mới này, nhưng việc điều tra làm rõ các đối tượng lại là bài toán vô cùng nan giải. Bởi đây là loại tội phạm mới, cực kỳ khó chứng minh về bản chất và việc thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn. Hơn nữa, rất nhiều bị hại do có tâm lý xấu hổ, sợ gia đình biết chuyện nên đã từ chối hợp tác với Cơ quan Công an.
Cũng theo Trung tá Hải, song song với quá trình đấu tranh, bóc gỡ đường dây lừa đảo nói trên, thời gian vừa qua Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tập trung đánh mạnh vào tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phi pháp. Một số phương thức, thủ đoạn chính vẫn là sử dụng công nghệ cao để đánh bạc; hack mật khẩu để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc giả danh cán bộ ngân hàng, bưu điện, cán bộ công an để lừa chạy việc; chiếm quyền sử dụng facebook, zalo rồi mạo danh để vay mượn tiền…
Trước vấn nạn tội phạm công nghệ cao hoạt động với hình thức, thủ đoạn ngày càng manh động, tinh vi, trước đó, ngày 18-1-2021, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 400/VPCP-NC về việc "Xử lý các nhóm lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online". Tháng 9-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó nhấn mạnh, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gắn liền với các hoạt động "tín dụng đen", kinh doanh đa cấp biến tướng; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nhanh.
Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, trước hoạt động tinh vi của các loại tội phạm, và diễn biến phức tạp của các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, Ban giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận