“Cocktail dầu” – Cách né trừng phạt đối với nguồn nhiên liệu của Nga
Trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao, Nga ngày càng nhận được nhiều tiền hơn từ nước ngoài, bất chấp các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị. Các công ty phương Tây đã tìm cách lách các biện pháp hạn chế để tiếp tục mua nhiên liệu của Nga. Họ chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt của Moskva. Trong đó, những người nhanh trí nhất đã sử dụng biện pháp "pha chế cocktail" với “nhiên liệu bị cấm”.
Dòng chảy ngoại tệ
Trên thực tế, điều kiện ngoại thương mới lại có nhiều yếu tố có lợi cho Nga. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, trong quý I/2022, cán cân thanh toán quốc tế ghi nhận các giao dịch cho thấy mức tăng trong dự trữ ngoại hối. Thặng dư vượt mức 58 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này đã bao gồm cán cân thương mại (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trừ nhập khẩu), tiền lương của người Nga làm việc ở nước ngoài, cổ tức từ các khoản đầu tư ra nước ngoài, trong đó có viện trợ nhân đạo và quyên góp tiền từ thiện. Nói cách khác, số dư của tài khoản vãng lai là hiệu số giữa tổng mức sở hữu và tổng mức nợ.
Nga có được lợi ích nhờ việc giá các mặt hàng năng lượng ngày càng tăng lên. Đầu tháng 3, giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức 3.892 USD/1.000 m3. Dầu cũng không bị tụt lại phía sau: dầu thô Brent đã cán mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Nhu cầu dầu mỏ đang tăng lên bất chấp các lệnh trừng phạt. Khách hàng nước ngoài chưa sẵn sàng từ bỏ nhiên liệu thông thường của họ. Các công ty kinh doanh phương Tây pha trộn dầu thô Urals của Nga với các loại dầu khác. Ví dụ, công ty Shell của Mỹ hoạt động theo sơ đồ này, cho phép các thương nhân của họ mua dầu diesel có chứa thành phần dầu của Nga. Sản phẩm có tên gọi “hỗn hợp Latvia” này được điều chế tại cảng Ventspils. Họ đã phải sử dụng cách thức này vì làm ăn thua lỗ. Shell đã thiệt hại gần 5 tỷ USD do rút khỏi Nga.
ExxonMobil cũng có biện pháp tương tự. Tập đoàn dầu khí khổng lồ Equinor của Na Uy cũng không ngừng đầu tư vào Nga. Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ BP của Anh tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu gần 20% cổ phần tại Rosneft. Số cổ phần mà BP từ bỏ trị giá tới 25 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giá dầu và khí đốt cao sẽ giúp bù đắp khoản lỗ này.
Chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á
Ngoài ra, châu Á đang tích cực mua dầu thô của Nga trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, Trung Quốc đạt kỷ lục với 1.600 tỷ tấn dầu. Xếp sau không xa là Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới. New Delhi có tiềm năng rất lớn để tăng lượng mua dầu. Trong vòng một tháng rưỡi, nước này đã mua 14 triệu thùng dầu Urals từ Nga. Để so sánh, trong cả năm 2021, con số này là 16 triệu thùng.
Sự gia tăng này là do yếu tố địa lý. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu từ Iran, quốc gia gần gũi hơn về mặt địa lý. Nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển. Họ chuyển sang dùng nguyên liệu thô từ Nga vì Moskva giảm giá, nhưng ngay cả khi giảm thì mức giá báo ra vẫn cao. Theo một số thông tin, Moskva cam kết đảm bảo việc vận chuyển và bảo hiểm dầu thô sẽ được giao cho Ấn Độ. Ngoài ra, New Delhi đang đẩy mạnh thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, giống như Trung Quốc.
Trong khi dự trữ toàn cầu đang cạn kiệt, chiết khấu sẽ giảm dần. Mỗi ngày, thị trường toàn cầu có thể mất đi hơn 7 triệu thùng dầu và các nhiên liệu lỏng khác từ Nga do các biện pháp trừng phạt hiện nay và trong tương lai. Tại cuộc họp giữa các quan chức EU và đại diện Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienna, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết đây là một trong những vụ thất thoát nghiêm trọng nhất về nguồn cung dầu trong lịch sử. OPEC chưa thể bù đắp nguồn cung dầu từ Nga. Tuy nhiên, dù không phải ngay lập tức nhưng trong tương lai gần, EU vẫn có ý định từ bỏ các nguồn năng lượng “không phù hợp về mặt chính trị”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết một số quốc gia trong khu vực “phụ thuộc 100% vào dầu khí của Nga”. Việc chuyển hàng từ Mỹ đến châu Âu sẽ có giá cao hơn gấp nhiều lần.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường thế giới, khiến giá tăng không thể đoán trước được - có thể lên đến hơn 300 USD/thùng. Sẽ không có gì tốt đẹp từ lệnh cấm nhập khẩu khí đốt này. Các nhà phân tích của Bloomberg ước tính riêng nền kinh tế Đức sẽ mất hơn 200 tỷ Euro.
Dư thừa ngoại tệ
Trong một năm tới, khối lượng nhập khẩu của Nga sẽ giảm do các lệnh trừng phạt, nhu cầu giảm và các vấn đề về hậu cần. Khối lượng xuất khẩu các mặt hàng sẽ giảm 20-30%. Tuy nhiên, vì 2/3 trong số đó là các mặt hàng năng lượng, mà nguồn cung đang giảm, do đó giá nhiên liệu sẽ tăng. Chuyên gia Andrey Loboda - giám đốc quan hệ công chúng của BitRiver - lưu ý đây là điều kiện thị trường thuận lợi nhất trong 15 năm qua. Ông nói: “Dòng tiền đổ vào cán cân thanh toán có thể sẽ tăng quá mức cho đến cuối quý II. Đây là một tình huống đặc biệt. Bất chấp những căng thẳng địa kinh tế, dòng tiền từ nước ngoài có thể đạt 250 tỷ USD vào cuối năm nay”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Mark Goykhman - chuyên gia kinh tế chính tại trung tâm thông tin và phân tích TeleTrade - khuyến cáo: “Nên tập trung vào những ước tính khiêm tốn hơn. Nếu kết quả cao hơn so với ước tính, đó sẽ là một bất ngờ thú vị. Trong nửa cuối năm nay, do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là suy thoái, giá và nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của đầu năm 2022: Dầu Urals - 70 USD/thùng. Do đó, số dư tài khoản vãng lai sẽ ở mức vừa phải từ 155-160 tỷ USD. Nếu tính đến nguồn vốn ròng chảy ra khỏi đất nước, kết quả này có thể được coi là tốt”.
Trong khi đó, nhiều công ty Nga giao thương với nước ngoài đang tỏ ra “bó tay” với thu nhập ngoại hối. Nhu cầu ngoại tệ ở trong nước gần như không có. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt, việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài giảm mạnh, các nhà nhập khẩu không còn cần đến đồng USD và Euro với khối lượng như trước đây. Đồng thời, theo sắc lệnh của Tổng thống, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán 80% ngoại tệ và gửi chúng vào tài khoản của họ tại các ngân hàng được cấp phép. Có lẽ Nga sẽ sớm hạ thấp ngưỡng này. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề vẫn còn. Chuyên gia Pyotr Zabortsev - giám đốc đổi mới của OS-Center - giải thích: “Chính phủ hiểu rằng việc ‘để dành ngoại tệ trong bùng binh’ là không hợp lý. Ngoài ra, dòng chảy lớn do việc buộc phải bán 80% ngoại tệ có thể khiến đồng Ruble tăng giá quá mức. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh và có nguy cơ đẩy lạm phát tăng mạnh do tăng trưởng nguồn cung tiền, trong khi nguồn cung hàng hóa lại bị hạn chế”.
Trong những điều kiện như vậy, chính phủ có thể buộc phải giảm xuất khẩu. Chuyên gia Zabortsev cảnh báo: “Tuy nhiên, sau khi thặng dư tài khoản vãng lai giảm, sản lượng và các khoản đầu tư vào ngành nguyên vật liệu sẽ ngừng lại. Điều này có nghĩa là GDP thậm chí còn giảm mạnh hơn”.
Theo Sputnik
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận