'Cọc một tỷ đồng đấu giá 10 lô đất để kiếm lời vài trăm triệu'
Bỏ một tỷ đồng để cọc đấu giá 10 lô đất, chỉ cần bán được một nửa với giá chênh vài trăm triệu đồng mỗi lô là có lãi.
"Chỗ tôi cũng xuất hiện tình trạng đấu giá đất với giá cao rồi rao bán chênh lệch ngay sau đó. Thực tế, người dân bình thường không một ai trúng đấu giá cả vì giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và chênh quá cao so với giá đất hiện tại xung quanh khu vực. Cuối cùng chỉ toàn 'cò đất' trúng đấu giá. Họ bỏ ra một tỷ đồng, cọc đấu giá 10 lô đất, quy định thanh toán 50% trong vòng một tháng.
Trong khoảng thời gian này, họ cố gắng bán chênh vài trăm triệu đồng mỗi lô nhỏ, giá rẻ. Cứ như vậy, họ chỉ cần sang tên được năm lô đất trong vòng một tháng là có lãi vài trăm triệu đồng. Các lô còn lại, họ tùy tình hình mà có thể bán hòa, hoặc lỗ vài trục triệu đồng (để gỡ lại chút tiền cọc).
Ở một vùng quê mà trong vòng một tháng ôtô đỗ cả trăm chiếc, mua bán đất cứ ầm ĩ cả lên. Nhiều người 'dính câu' và mua lô đất giá vài tỷ đồng mà cũng chẳng kinh doanh buôn bán gì được, cứ để cỏ dại mọc nhiều năm nay. Giờ họ muốn bán cũng chẳng ai mua vì giá quá cao. Cuối cùng, người thua thiệt vẫn là dân quanh vùng đó, chứ 'cò đất' vẫn kiếm được. Và sau đó, họ lại chuyển sang chỗ đấu giá đất khác và tiếp tục công việc kiếm lời của mình".
Đó là chia sẻ của độc giả Shizuka Minamoto trước tình trạng "Đất huyện ven Hà Nội vừa đấu giá được rao bán chênh hàng trăm triệu đồng". Sau khi phiên đấu giá 68 lô đất ở thôn Thanh Thần kết thúc với giá trúng lên đến trăm triệu đồng một m2, nhiều môi giới đã trực sẵn ở khu đất này để chào bán chênh. Cụ thể, nhiều lô đất vừa trúng đấu giá gấp 6-8 lần khởi điểm ở Thanh Oai đã được rao bán chênh 300-500 triệu đồng.
Đặt dấu hỏi về hoạt động mua bán chênh lệch sau khi trúng đấu giá đất, bạn đọc Leah.vu.pham nhận định: "Một khu vực mà hạ tầng tiện ích chưa có mà giá đất bị đẩy lên quá cao có phải bất thường? Tôi cho rằng, họ tham gia đấu giá và bán lướt cọc cho nhau để đẩy giá đất trong khu vực lên cao, nhằm mục đích chính là bán 'thoát hàng' các lô đất gần đó mà hội này đã ôm vào với giá rẻ mạt. Vài trăm triệu đồng tiền cọc một lô đất đấu giá là quá rẻ so với việc thoát được hàng với giá trị có thể lên tới tiền tỷ".
Giá rao bán đất trung bình ở huyện Thanh Oai trong quý II dao động 20-30 triệu đồng mỗi m2, trong đó huyện Thanh Cao là 27 triệu đồng một m2. Như vậy, mức trúng đấu giá từ 63 đến 100 triệu đồng mỗi m2 của những lô đất xã Thanh Cao cao gấp 2,3-3,7 lần so với mặt bằng xung quanh.
Độc giả Nguyenxuannam chỉ ra chiêu trò của "cò đất": "Đấu giá đất đã trở thành một nghề của vài nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng dành thời gian tìm kiếm cơ hội, chấp nhận mất tiền cọc khi không bán được đất bởi mục đích cuối cùng là thổi giá xung quanh lên cao nhất có thể. Nhiều nhà đầu cơ, môi giới sẽ lợi dụng, lấy mức trúng đấu giá đó làm điểm neo nhằm đẩy hàng xung quanh. Hệ lụy là giá bất động sản vốn đã neo cao thời gian qua lại càng xa vời với người có nhu cầu sử dụng thật".
Làm gì để hạn chế tình trạng đấu giá đất giá cao rồi bán chênh lệch, bạn đọc Vantuyen bình luận: "Hiện nay, quy định về đấu giá đất chưa được chặt chẽ, cho nên bất kỳ cuộc đấu giá nào cũng có tình trạng này. Thiết nghĩ, chúng ta nên thắt chặt hơn quy định, bổ sung thêm một số điều khoản ràng buộc như:
1. Người trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị phạt thêm khoảng 30% giá trị lô đất đó (ngoài tiền đặt cọc theo quy định).
2. Khi đã mua và đứng tên được lô đất đó rồi thì trong 5 năm đầu không được sang tên (nếu sang tên sẽ bị tính thuế 30% giá trị kinh doanh lô đất đó).
3. Phạt không cho cá nhân đó trốn cọc tham gia đấu giá trong 3 đến 5 năm tính từ thời điểm vi phạm quy định bán lô đất trước thời hạn.
Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ bán đất được cho đúng đối tượng cần mua, lọc được hồ sơ ngay từ đầu. Tuy nhiên, những điều này cần đưa vào Luật đất đai, phổ biến rộng rãi cả nước".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận