24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có thể sẽ có dòng lợn kháng với bệnh tả lợn châu Phi

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu làm rõ cơ chế sống sót của cá thể lợn trong các ổ dịch. Đến nay, đàn lợn nghiên cứu sau nhiều lứa đẻ vẫn còn kháng thể cao với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu làm rõ cơ chế sống sót của cá thể lợn trong các ổ dịch. Đến nay, đàn lợn nghiên cứu sau nhiều lứa đẻ vẫn còn kháng thể cao với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, tiến tới khả năng chúng ta sẽ có thể sẽ có những dòng lợn kháng với loại bệnh này.

Để nghiên cứu các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã triển khai theo 3 hướng. Đó là, tổng kết việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào để nâng cao sức đề kháng của con lợn. Điển hình như Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc Thú y AMAVET, Tập đoàn Quế Lâm vào một số doanh nghiệp đã nhân rộng mô hình này.

Tiếp theo là việc tổ chức nghiên cứu vaccine với sự hợp tác quốc tế, Bộ đã giao cho Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương NAVETCO và sau thời gian nghiên cứu, công ty đã có 5 đợt năm đợt thử nghiệm đều thành công. Tuy nhiên, trước khi đưa vào sử dụng cần phải tiến hành khảo nghiệm, kiểm nghiệm theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Hiện việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm đang được triển khai và dự kiến cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Một hướng nữa là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu làm rõ cơ chế sống sót của các thể lợn trong các ổ dịch. Kết quả bước đầu cho thấy, đàn lợn sống sót được lựa chọn làm nái đã phát triển và sinh sản bình thường sau nhiều lứa đẻ ngay tại một số cơ sở đã từng xảy ra dịch. Lợn nái và lợn con sinh ra đều có hàm lượng kháng thể kháng virus dịch tả lợn châu Phi tương đối cao. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đang tiến hành thu mẫu của những cá thể tồn tại trong các ổ dịch để tìm hiểu sâu hơn nữa cơ chế kháng dịch tả lợn châu Phi.

Về hướng nghiên cứu này, ông Phạm Kim Đăng, Trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Khoa Chăn nuôi đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi của một số cá thể lợn sống sót trong ổ dịch”. Mục tiêu của đề tài là tìm ra những bằng chứng khoa học về cơ chế kháng tự nhiên của đàn lợn sống sót trong các ổ dịch. Kết quả đề tài sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng giải pháp, phục vụ trong chỉ đạo sản xuất và định hướng, khuyến cáo người chăn nuôi phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Trước nhiệm vụ cấp bách đó, các nhà khoa học của Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước xây dựng các giả thuyết nghiên cứu. Sau khi thảo luận các nhà khoa học thống nhất có 3 giả thuyết nghiên cứu.

Giả thuyết thứ nhất là hiện tượng đề kháng tự nhiên do các cá thể đó có nhiễm virus nhưng đề kháng cá thể tốt, nồng độ virus thấp nên không những không biểu hiện bệnh mà còn kích thích cơ thể sản sinh kháng thể kháng virus dịch tả lợn châu Phi.

Giải thuyết thứ hai là đề kháng không đặc hiệu là kết quả của khả năng tự sản sinh các chất chống sự nhân lên của virus như interferon hoặc tác động của các giải pháp chăn nuôi như: chăm sóc, dinh dưỡng, môi trường, các biện pháp vệ sinh thú y tốt giúp cơ thể có sức đề kháng cao có thể vượt qua dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng. Giả thuyết thứ ba là đàn lợn sống sót do có vật liệu di truyền liên quan đến kháng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

"Để thực hiện được đề tài này, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí và sự đồng hành chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhóm nghiên cứu còn hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu thế giới từ các nước như Bỉ, Đan Mạch và Na Uy. Mặc dù đã có những kết quả ban đầu khả quan, nhưng việc tìm ra cơ chế kháng tự nhiên của lợn sống sót trong ổ dịch dịch tả lợn châu Phi vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu để có câu trả lời chính xác. Nhưng kỳ vọng dự án sẽ tìm ra cơ chế kháng bệnh làm cơ sở quan trọng cho việc định hướng, chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo người chăn nuôi trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.", ông Phạm Kim Đăng cho biết./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả