Có thể nhân giống vô tính hàng vạn cây lan đột biến 'tiền tỷ' từ cây mẹ?
Yếu tố nhân giống sẽ khiến giá trị của lan đột biến thay đổi chóng mặt theo thời gian. Do đó, nhà đầu tư không nên chỉ vì lòng tham, thấy người khác có lợi nhuận mà chạy theo.
Thời gian gần đây trong giới chơi cây cảnh, hoa cảnh ở Việt Nam đã rộ lên nhiều thương vụ mua bán lan đột biến với giá trị cao, thậm chí lên tới hàng chục tỷ đồng.
Từ đó, thị trường chứng kiến trào lưu mua bán lan đột biến được nhà nhà, người người hướng ứng, đầu cơ, và thực sự đã tạo nên một "cơn sốt", dù tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả khó lường.
Trên thực tế, nếu hiểu rõ bản chất, cũng như những phương pháp nhân bản của loài hoa này, thì dân đầu cơ nghiệp dư hoàn toàn có thể "vỡ mộng" như chơi.
Giá trị độc, hiếm của lan đột biến có thể nhân bản dễ dàng
Điều tạo nên giá trị của cây lan đột biến nằm ở sự quý hiếm, độc đáo. Chính vì số lượng lan đột biến ít, không thỏa mãn được nhu cầu của người chơi lan, nên thị trường đã đẩy giá lan đột biến lên cao.
Tuy nhiên, nếu như việc nhân bản lan đột biến diễn ra dễ dàng, thì mức độ quý hiếm của những cây hoa này chắc chắn sẽ giảm.
Trả lời Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Việt Nam, tiết lộ rằng công nghệ nhân giống lan đột biến thực ra tương đối đơn giản, không hề cầu kỳ và phức tạp.
Theo đó, chỉ cần đưa lan vào nuôi cấy đúng cách, thì thậm chí chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng mỹ miều của các dòng bố/mẹ.
Hiểu theo một nghĩa khác, những giá trị "độc", "hiếm", và mức giá tiền tỷ từ cây lan đột biến được chủ vườn "thần thánh hóa" hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị nếu như giống cây đó được bán rộng rãi trên thị trường.
Các phương pháp nhân giống lan đột biến đều có hiệu quả cao
Theo giải thích của PGS.TS Nguyễn Văn Đông, cây lan hiện nay có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng cành, chồi (vô tính). Trong đó, nếu lan nhân giống bằng hữu tính (lấy phấn do cây tự thụ, côn trùng thụ, con người thụ…) thì hạt phấn sẽ bị phân ly, tức là cây con sẽ không còn giữ được đặc tính của cây mẹ nữa.
Do vậy để giữ được đặc tính của cây mẹ, cần phải nhân bản vô tính. Nhưng riêng đối với nhân bằng vô tính cũng có tới 2 cách, đó là giâm cành bằng "kie" (các đốt thân) và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô).
Điều đáng chú ý là cả 2 phương pháp này đều đang được áp dụng rất phổ biến, và có mức độ hiệu quả cực cao.
Cụ thể đối với phương pháp nhân giống In vitro (nhân giống trong ống nghiệm), các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh được rằng nó không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu.
Do đó, nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến, thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ.
Còn đối với phương pháp thứ 2, PGS.TS Nguyễn Văn Đông khẳng định rằng Viện Nghiên cứu Rau quả vẫn đang áp dụng rất thành công. Cũng giống như khi nhân giống bằng Invitro, cây con được sinh ra vẫn sẽ giữ nguyên bản chất di truyền của cây mẹ.
Không những thế, theo lời của chuyên gia này, việc nhân bản cây lan trong phòng thí nghiệm còn giúp cây con được sản sinh, nuôi trồng ở điều kiện tối ưu, nên hệ số nhân giống cao hơn, cây con có chất lượng đồng đều hơn, sức sống sau này của cây tốt hơn so với phương pháp thông thường.
Từ những kiến thức nêu trên, có thể thấy rằng nếu tổ chức, cá nhân nào muốn phát triển sản xuất lan đột biến thành hàng hóa, với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, giá thành hạ, thì chỉ cần đơn giản là áp dụng công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào và công nghệ sản xuất hoa lan trong nhà lưới đơn giản là có thể thành công.
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại bài học từ các phong trào chơi, kinh doanh cây cảnh cổ thụ (sanh, lộc vừng…) ở nhiều địa phương thời gian trước đây. Điển hình như Nam Điền (Nam Định) hay Văn Giang (Hưng Yên), khi nhiều giống cây cảnh bị chủ vườn "thổi giá", dẫn tới cái kết là cả người trồng và người kinh doanh đều thua lỗ nặng khi "bong bóng" vỡ.
Chớ nên sa đà chạy theo "cơn sốt"
Với kinh nghiệm của mình, Cao Thắng - một chủ vườn lâu năm tại Hà Nội cho rằng ai muốn đầu tư vào lan có lãi thì đó phải là người vừa có kiến thức chuyên môn về nuôi trồng, chăm sóc cây lan và phải nắm bắt được thị trường.
"Lan phi điệp đột biến là một mặt hàng, nơi giá trị của nó không phải dựa trên thẩm mỹ của mặt hoa, mà là sự khan hiếm và độc đáo. Điều này sẽ bị thay đổi theo thời gian", chủ vườn này chia sẻ.
Khi hiếm thì bị đẩy giá lên cao, nhưng khi bão hòa thì cũng tụt giá "chóng mặt". Đây là quy luật tất yếu đối với những mặt hàng có giá trị, và càng đúng hơn khi nói về cây lan đột biến.
Theo đó, điều quan trọng là người đầu tư phải nắm được nhu cầu thị trường ra sao, khi nào thị trường đạt đỉnh để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, mức đầu tư hợp lý. Chứ đừng chỉ vì lòng tham, thấy người khác có lợi nhuận mà chạy theo.
Trên thực tế, chỉ những người mới chơi, chưa hiểu về giống cây này mới dễ sa vào những cuộc giao dịch "khủng". Trái lại, người chơi sành sỏi không dễ bị lan đột biến làm cho "phát sốt".
Theo T. H, một tay chơi hoa có tiếng ở khu vực miền Bắc, thì nhiều cuộc giao dịch "tiền tỷ" trong số đó là thật, nhưng cũng có một số là ảo. Tuy nhiên, con số này thường khiến nhà đầu tư "mờ mắt" vì hám lợi, từ đó dẫn tới những quyết định sai lầm.
"Với người chơi có đam mê và điều kiện kinh tế thì việc bỏ ra cả tỷ đồng mua một chậu phi điệp đột biến về trồng không vấn đề gì, giá cả biến động thế nào họ cũng không quan tâm. Nhưng với người đầu tư, hy vọng chậu lan đó sẽ sinh lời thì cần phải trang bị cho mình rất nhiều thứ trước khi quyết định bỏ tiền mua", vị này nói.
Thực tế ghi nhận có người chơi lan kiếm "bạc tỷ", mua được xe, mua được nhà. Nhưng cũng có không ít trường hợp vì không am hiểu mà mất nhà, mất xe, thậm chí mắc nợ vì sa đà vào săn lùng lan quý, để rồi phải trả một cái giá quá đắt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận