Có 'sự cố truyền thông', ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội và sản xuất kinh doanh
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh.
Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Vì vậy, xây dựng chính sách phải hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
“Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sản phẩm từ Hội nghị sẽ là ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Lâm, gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh. Nguyên nhân một phần là từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Về đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác truyền thông chính sách, trong điều kiện kinh tế thị trường, Bộ TT&TT cho rằng, có thể xem xét công tác truyền thông chính sách là một dịch vụ sự nghiệp công mà nhà nước cần cung cấp cho xã hội. Nhà nước thực hiện việc này một phần thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở.
Một thực tế “nghịch lý” được ông Lâm chỉ ra là nhiều cơ quan báo chí lớn, tự chủ 100%, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, thì lại đang phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có truyền thông chính sách bằng kinh phí lấy từ nguồn thu quảng cáo dịch vụ. Do đó, cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận