Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ việc Asanzo
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ và chuyển hồ sơ vụ Công ty Asanzo sang cơ quan điều tra Bộ Công an để thụ lý điều tra.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã cung cấp thông tin nêu trên về vụ việc Công ty Asanzo tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra ngày 3-1 tại Hà Nội .
"Vụ việc liên quan đến Công ty Asanzo được Chính phủ rất kiên quyết chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc với tinh thần khẩn trương, đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng," ông Đàm Thanh Thế cho biết.
Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng (tăng 4%), khởi tố 1.864 vụ án (tăng 29%) với 2.184 đối tượng (tăng 32%). Số vụ, số đối tượng bị khởi tố tăng cho thấy chúng ta đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Việc chống buôn lậu và gian lận thương mại đặc biệt được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo 389, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị năm 2020 phải có chuyển biến quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để mọi mặt đều tiến bộ, không chỉ là kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an toàn cho người dân và nhất là “muốn sản xuất được, muốn thị trường trong nước phát triển phải chống buôn lậu, gian lận thương mại tốt”.
Liên quan đến vụ việc Asanzo, trước đó, ngày 28-10-2019, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về chống gian lận xuất xứ đối với vụ việc này. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng, Asanzo "lừa dối người tiêu dùng" và quy trình lắp ráp của doanh nghiệp này không như quảng cáo. Việc lắp ráp tivi và các máy móc linh kiện... đều diễn ra trên các bàn thủ công, không phải thực hiện trên dây chuyền hiện đại.
“Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%, do đó căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm "made in Vietnam", có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa”, cơ quan Hải quan khẳng định.
Về vụ việc của Công ty TNHH Xe đạp Excel (ở Bình Dương) nhập linh kiện, thiết bị xe đạp điện Trung Quốc về lắp ráp rồi xuất sang Mỹ với danh nghĩa hàng Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với các đơn vị liên quan thống nhất biện pháp xử lý đối với Công ty Excel là tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm, gồm các linh kiện nhập về để lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và cả những xe đã được lắp ráp hoàn chỉnh đang chờ xuất khẩu, vẫn lưu trong kho.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận