Cơ quan điều tra Canada đề nghị vào cuộc vụ trực thăng rơi
Nhà sản xuất chế tạo Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada - cơ quan thực hiện điều tra về tai nạn tàu bay đề nghị hỗ trợ Việt Nam xác định nguyên nhân trực thăng Bell-505 gặp nạn.
Chiều 6/4, tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông quý I, ông Hồ Minh Tấn, Cục phó Hàng không Việt Nam cho biết đơn vị đã nhận được thư đề nghị của nhà sản xuất chế tạo Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada.
Chiều qua, máy bay Bell-505 cất cánh từ bãi đỗ Tuần Châu lúc 16h56 để thực hiện chuyến bay 10 phút ngắm Vịnh Hạ Long, nhưng đến 17h06, chỉ huy chuyến bay xác nhận không liên lạc được với người lái và báo cáo sở chỉ huy của Công ty trực thăng miền Bắc. 17h25, chỉ huy nhận được thông tin trực thăng gặp nạn thông qua người dân.
Bell-505 là loại trực thăng hạng nhẹ một động cơ của Mỹ, do Bell Helicopter thiết kế, sản xuất. Máy bay được Cục Hàng không Mỹ, Canada, châu Âu cấp giấy chứng nhận loại và cũng được Cục Hàng không Việt Nam công nhận chứng chỉ loại vào năm 2018.
Căn cứ vào các quy định hiện hành của Việt Nam và thế giới, Cục Hàng không Việt Nam phân loại "đây là tai nạn mức cao, có thiệt hại máy bay và người". Vì vậy, Cục kiến nghị Chính phủ điều tra nguyên nhân tai nạn theo quy định của pháp luật cùng với sự tham gia của các bộ ngành liên quan, quốc gia thiết kế tàu bay, quốc gia chế tạo tàu bay, nhà sản xuất tàu bay và động cơ.
Xác máy bay Bell-505 số hiệu VN-8650 gặp nạn, được Hải quân vớt lên trưa 6/4. Ảnh: Hải quân Việt Nam
Công ty trực thăng miền Bắc là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng). Công ty được bay thăm dò khai thác dầu khí; bay phục vụ chương trình tìm kiếm quân nhân, người bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam; bay dịch vụ du lịch, tìm kiếm cứu hộ và cấp cứu y tế.
Công ty trực thăng miền Bắc được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận khai thác tàu bay số 200405, được gia hạn hiệu lực tới ngày 28/2/2024, đáp ứng tiêu chuẩn của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các tiêu chuẩn an toàn cao. Đơn vị này đang đang khai thác hai tàu bay Bell-505 với số đăng ký là VN-8650 và VN-8651. VN-8650 có tổng số giờ bay cho tới khi gặp nạn là 488 giờ, với 2.655 lần cất/hạ cánh.
Trực thăng gặp nạn được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. Cho đến khi tàu bay gặp nạn, Công ty trực thăng miền Bắc đã thực hiện 682 giờ bay du lịch với cả 2 tàu bay với trên 7.000 lượt hành khách.
Phi công Chu Quang Minh có giấy phép lái tàu bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, thời tiết, khí tượng tốt, tầm nhìn 6-8 km, nhiệt độ 26 độ C, khí áp 1003 "hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt".
Theo ông Tấn, do Bell-505 có tải trọng nhỏ hơn 5.700 kg nên không có quy định phải mang thiết bị tham số bay. Tuy nhiên, máy bay được trang bị Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái và khả năng chống va đập. Đây là thiết bị có khả năng hỗ trợ công tác điều tra về nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hoạt động bay hàng không tầm thấp nằm trong khu vực bay hoạt động hàng không chung do Bộ Quốc phòng cấp phép, quản lý và thực hiện.
'Phi công đã cố gắng đưa trực thăng về khu an toàn'
Chiều cùng ngày, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, theo báo cáo, khi nhận thấy trực thăng gặp sự cố, phi công đã rất cố gắng điều khiển đưa trực thăng về khu vực an toàn. Tuy nhiên "sự cố quá nhanh nên điều đáng tiếc đã xảy ra".
Ông Cương cũng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị lập Ban điều tra nguyên nhân gây tai nạn để rút kinh nghiệm chung trong hoạt động bay thời gian tới.
Viết Tuân - Sơn Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận