Cổ phiếu xây lắp tăng nóng liệu đã phản ánh đủ kỳ vọng về đầu tư công?
Các doanh nghiệp trúng thầu lớn dù có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế trong năm 2022, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại suy giảm mạnh so với năm 2021.
Kể từ khi thị trường chứng khoán hồi phục từ đáy giữa tháng 11/2022, nhiều cổ phiếu đầu tư công đã tăng rất mạnh và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. HHV của Hạ tầng giao thông Đèo Cả leo lên mức giá sát 13.000 đồng, tương ứng tăng 63%. LCG của CTCP Lizen cũng chinh phục thành công ngưỡng 12.000 đồng, tương ứng tăng 140%.
VCG của CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) kết phiên 24/2 ở mức giá 20.150 đồng, tương ứng tăng 50%. FCN của CTCP Fecon tăng 60% lên mức giá 11.200 đồng. C4G của Tập đoàn CIENCO4 cũng tăng 57% lên mức giá 11.200 đồng.
Trong 2 tuần gần đây, VN-Index điều chỉnh sau giai đoạn hồi phục từ tháng 11/2022, tuy nhiên nhóm cổ phiếu đầu tư công hầu hết đều không bị ảnh hưởng. Diễn biến tích cực trong bối cảnh các thông tin về đầu tư công vẫn gây chú ý trên thị trường.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng (tương đương 675.450 tỷ đồng) vốn đầu tư công năm 2023.
Lưu ý dòng tiền doanh nghiệp
Trong báo cáo về ngành xây lắp cập nhật ngày 23/2, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định, đầu tư công sẽ là điểm sáng trong tăng trưởng trong năm 2023, tuy nhiên rủi ro chậm giải ngân vẫn hiện hữu.
Đầu tháng 2/2023, Bộ Tài chính cho biết đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 704.044 tỷ đồng). Có thể thấy nếu thành công trong việc giải ngân, nguồn vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Tuy nhiên theo số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp, trừ các năm 2020 – 2021 thì việc giải ngân được đẩy mạnh để hỗ trợ hậu quả covid-19. Điều này cho thấy việc giải ngân đầu tư công giai đoạn vừa qua được giám sát chặt chẽ.
Giải ngân đầu tư công đang được giám sát chặt chẽ nên việc lựa chọn các nhà thầu xây lắp các dự án này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo MAS thì chỉ các doanh nghiệp có hồ sơ năng lực thi công tốt, mức độ hoàn thành theo tiến độ cao mới có thể có cơ hội nhận được các gói thầu lớn trong giai đoạn tiếp theo.
Trong 25 gói thầu các dự án cao tốc đã chọn được nhà thầu, một số doanh nghiệp đang niêm yết cũng trúng các gói thầu có giá trị cao như VCG, LCG, HHV, C4G.
Được hỗ trợ nhiều thông tin tích cực đã giúp nhóm cổ phiếu đầu tư công trở thành nhóm hồi mạnh nhất thị trường. MAS cho biết, tính từ khi VN-Index chạm đáy vào ngày 16/11/2022 đến 22/02/2023, các cổ phiếu đầu tư công đã có mức hồi phục trung bình 48% so với mức 11,8% của VN-Index, trong đó các cổ phiếu như FCN, VCG, C4G và LCG có mức hồi phục tốt hơn mức trung bình.
Ở góc độ kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp trúng thầu lớn dù có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại suy giảm mạnh so với năm 2021.
Trên cơ sở đó, MAS cho rằng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xây lắp được hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công đã phản ánh hầu hết yếu tố kỳ vọng. Nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận