Cổ phiếu VRC chưa dứt đà rơi tự do
Ngày 8/1/2020, cổ phiếu Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC (HOSE:VRC) vẫn tiếp tục nằm sàn, trắng bên mua. Đây là phiên thứ 10 liên tiếp cổ phiếu này lao dốc không phanh.
Tính đến phiên ngày 8/1/2020, cổ phiếu VRC đã có 10 phiên giảm sàn liên tiếp, đưa giá cổ phiếu này từ mức 22.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12/2019) xuống 11.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng khi mua cổ phiếu VRC với vùng giá cao không kịp thoát hàng.
Ông Nguyễn Hạnh- Nhà đầu tư sàn MBS cho biết, việc giảm giá không phanh của cổ phiếu VRC do các công ty chứng khoán cắt giảm magrin đối với cổ phiếu này. Cụ thể, KIS Việt Nam đã cắt giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ của mã VRC từ 30% xuống còn 20%. Trước đó, cuối tháng 11/2019, Phòng kiểm soát rủi ro của Công ty CP Chứng khoán VPS có thông báo chặn vay mã cổ phiếu VRC từ ngày 29/11/2019. Các tài khoản bị bán giải chấp do việc chặn vay margin có 3 ngày để chủ động đưa tài khoản về tỉ lệ an toàn.
Đáng chú ý, trước đó, cổ phiếu VRC tăng nóng với khối lượng đột biến. Kể từ cuối tháng 10/2019, giá cổ phiếu VRC đã tăng từ 15.000 đồng/cp lên mức 25.250 đồng/cổ phiếu vào phiên 20/12/2019, tức tăng hơn 68% trong hơn 2 tháng, bất chấp xu hướng chung của thị trường là lình xình đi ngang và Công ty không có thông tin tích cực hỗ trợ nào.
Đáng chú ý, trong thời gian giá cổ phiếu VRC tăng nóng này, Công ty Chứng khoán SHS đã liên tục mua vào cổ phiếu VRC, nâng tổng số lượng sở hữu lên 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,05%. Sau đó, SHS tiếp tục mua vào cổ phiếu VRC. Tính hết tháng 11/2019, SHS đã chi khoảng 49 tỷ đồng để nắm giữ thêm hơn 3 triệu cổ phiếu VRC.
Lên tiếng giải trình việc cổ phiếu giảm sàn liên tục, Ban Lãnh đạo Công ty VRC cho biết trong quá trình niêm yết trên HoSE từ gần chục năm nay (tháng 7/2010), Công ty luôn tuân thủ các quy định niêm yết. Giá cổ phiếu VRC liên tục giảm sàn trong những phiên vừa qua hoàn toàn do yếu tố cung- cầu thị trường tác động, Công ty vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài các thông tin đã công bố chính thức, Công ty không có bất kỳ thông tin nào khác và cũng không thực hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào ảnh hưởng đến việc giảm giá chứng khoán.
Năm 2018, VRC sở hữu nhiều dự án lớn thông qua các công ty con là Công ty cổ phần Bất động sản VRC Sài Gòn (chủ đầu tư dự án Babylon Garden, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) và Công ty cổ phần ADEC (chủ đầu tư của 3 dự án: Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM; Khu dân cư ADC, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM và Khu dân cư Long An A, TP. Tân An, tỉnh Long An).
Đặc biệt trong năm 2018, VRC đã chuyển nhượng 95% cổ phần trong VRC Sài Gòn. Đây là nguyên nhân giúp Công ty ghi nhận lãi ròng 352,5 tỷ đồng, góp phần lớn vào mức lợi nhuận đột biến lên tới 280 tỷ đồng năm 2018.
Tuy nhiên, trong năm 2019, hoạt động kinh doanh của VRC không mấy thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VRC chỉ đạt vỏn vẹn hơn 10,3 tỷ đồng, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 24,85 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, riêng quý 3/2019, Công ty chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 1,12 tỷ đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, với kết quả kinh doanh bết bát và bị cắt margin, thì giá cổ phiếu VRC có thể sẽ tiếp tục lao dốc, thậm chí rơi xuống dưới mệnh giá trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận