Cổ phiếu "vàng đen" hồi sinh ?
Nhóm cổ phiếu than - hay còn gọi là cổ phiếu “vàng đen”, đang thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi liên tiếp bứt phá lên tầm giá mới sau một thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đà tăng này là thiếu sự chắc chắn, bởi yếu tố hỗ trợ chỉ là “ăn theo” giá than thế giới, chứ không đến từ yếu tố nội tại.
Việc giá than tăng mạnh cũng giúp các nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu “vàng đen” kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Từ đó sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá than tăng mạnh trong thời gian qua chưa thể giúp doanh nghiệp trong ngành bứt phá do nhu cầu sử dụng than trong nước sụt giảm, những doanh nghiệp hoạt động trong ngành dù có doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi ròng thu về lại khá khiêm tốn.
Điều này đã được chứng minh trong “bức tranh” kinh doanh nửa đầu năm 2021 vừa qua của các doanh nghiệp than.
Có thể kể đến CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.269 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ.
Tương tự, dù đạt mức doanh thu lên tới 2.545 tỷ đồng nhưng Than Vàng Danh cũng chỉ thu về được 21,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 31% so với cùng kỳ do giá vốn chiếm tới hơn 93% tổng doanh thu, cùng với đó là “gánh nặng” chi phí, chủ yếu là lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo đại diện của Than Vàng Danh, trong quý II vừa qua, việc tiêu thụ than cho khu vực Uông Bí, Đông Triều gặp nhiều khó khăn khiến sản lượng giảm gần 80.000 tấn so với kế hoạch đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Diễn biến này cũng là mẫu số chung của CTCP Xuất nhập khẩu than (mã: CLM), Than Mông Dương, Than Miền Bắc (mã: TMB)…
Hơn nữa, tuy các địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Điện Biên là các vùng sản xuất chính trong nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng do tác động nhất định của thời tiết cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hoạt động khai thác và phân phối vẫn bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đặc thù của ngành than là ngành suy thoái, trữ lượng dần cạn kiệt, khai thác ngày càng xuống sâu thì chi phí càng bị đẩy lên cao. Do đó, không nên kỳ vọng quá cao vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp than nội địa.
Ngoài ra, cũng như những cổ phiếu hay có đà tăng trưởng nhờ “ăn theo” giá nguyên vật liệu thế giới thường chỉ là “bước sóng ngắn”, khó được đánh giá là tiềm năng, bởi yếu tố nội tại không phải là mấu chốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận