Cổ phiếu thủy sản, dệt may: Cần thận trọng và kiên trì
Giá cổ phiếu thủy sản, dệt may biến động mạnh
Thủy sản chưa thực sự sáng
Nhóm cổ phiếu thủy sản “dậy sóng” trong phiên giao dịch 9/2/2023, một loạt mã tăng giá mạnh như IDI, ANV, ASM, VHC, MPC…, khi đón nhận tín hiệu tích cực từ các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, đặc biệt đến từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn trước dịch Covid-19, nên khi nước này mở cửa biên giới trở lại từ 8/1/2023, các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến phiên 13/2/2023, không ít mã cổ phiếu thủy sản quay đầu giảm giá sàn như IDI, ASM, AVN, VHC…, do thị trường chứng khoán giảm điểm và kết quả kinh doanh quý IV/2022 của ngành này được công bố với chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ.
Tính riêng 2 tuần qua, do giá tăng giảm đan xen nên nhóm cổ phiếu thủy sản nhìn chung không thay đổi nhiều; trong đó, mã ANV tăng 14,4%, IDI tăng 5,5%, VHC giảm 6%, ASM và MPC giảm nhẹ…
SSI Research nhận định, định giá P/E nhóm cổ phiếu thủy sản có thể giảm xuống mức thấp là 4 lần cho đến quý III/2023, do lợi nhuận dự kiến giảm so với mức cơ sở cao của năm 2022. Dự báo, lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong quý II/2023, sau đó định giá cổ phiếu có thể dần phục hồi về mức P/E trung bình trong lịch sử của ngành là 8 lần, khi hàng tồn kho tại các nhà bán buôn đã được xử lý hoàn toàn.
Theo SSI Research, Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản năm 2023, nhưng cần thêm thời gian để đánh giá tác động cụ thể. Ngành cá tra được dự báo hưởng lợi nhiều nhất, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Doanh thu từ thị trường này được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần khả năng suy giảm doanh thu từ thị trường Mỹ và EU. Nhưng giá bán sang thị trường Trung Quốc thường ở mức thấp so với thị trường Mỹ, nên sự bù đắp về đơn hàng khó có thể bù đắp về lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023.
Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với lạm phát cao, nguy cơ suy thoái, sức cầu giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu…, doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.
SSI Research dự báo, chi phí thức ăn thủy sản trong năm nay sẽ giảm, nhưng giá bán thủy sản bình quân có thể giảm 20 - 30% so với năm ngoái, do nhu cầu yếu trong nửa đầu năm và nguồn cung không thiếu hụt đối với tôm và cá nguyên liệu. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy sản sẽ giảm. Đáng lưu ý, lãi suất tăng sẽ khiến chi phí tài chính tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp đang có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, trong tháng 1/2023, sản xuất tôm thành phẩm đạt 581 tấn, bằng 31,3% cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm bằng 49% cùng kỳ; sản lượng tôm tiêu thụ thành phẩm 1.111 tấn, bằng 47% cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm bằng 42% cùng kỳ năm ngoái. Về doanh số chung, trong tháng 1/2023 đạt 15,2 triệu USD, bằng 52,6% cùng kỳ năm ngoái, do đơn hàng ít hơn.
Dệt may được hỗ trợ từ nhiều yếu tố
Kỳ vọng bức tranh ngành thủy sản và dệt may sẽ sáng hơn vào nửa cuối năm 2023.
Triển vọng sáng đang mở ra đối với ngành dệt may khi nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận đơn hàng cho đến quý II/2023. Phản ánh tín hiệu khả quan, cổ phiếu của một số doanh nghiệp dệt may có diễn biến tăng giá trong tuần qua như TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng…
TCM cho biết, tính đến tháng 1/2023, Công ty đã nhận được khoảng 90% kế hoạch doanh thu dự kiến cho đơn hàng quý I/2023 và đang tiếp tục nhận đơn hàng cho quý II/2023.
Tại TNG, trong tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu 397 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 99%, các thị trường trọng điểm là Mỹ (34%), Pháp (28%), Canada (14%), Nga (7%), Tây Ban Nha (6%)...
Năm nay, Hội đồng quản trị TNG xây dựng kế hoạch doanh 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận 337 tỷ đồng, tăng lần lượt là 11% và 16% so với năm 2022.
Tổng công ty May 10 - CTCP (M10) cũng chú trọng xuất khẩu khi đặt mục tiêu năm 2023 sẽ mở rộng thị trường ngay từ đầu năm. Xuất khẩu đang chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Cùng với mở rộng thị trường, M10 sẽ khai thác tối đa sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới, đồng thời tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ở tất cả các khâu.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc M10 cho hay, bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, doanh nghiệp sẽ hướng tới các thị trường mới theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, mở rộng sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), Canada, Nga.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do kinh tế thế giới năm 2023 được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn, tổng cầu dệt may dự kiến đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Năm ngoái, ứng biến với những khó khăn của thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, điều này sẽ được tiếp tục phát huy trong năm 2023.
Vì thế, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 được Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra hai kịch bản tăng trưởng so với năm 2022. Thứ nhất, kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD (năm 2022 đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021). Thứ hai, kịch bản kém tích cực hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt 45 - 46 tỷ USD.
Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đạt 6,8 - 7,2%/năm; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5 - 8%/năm.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, ngành dệt may năm 2023 có một số yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, bán lẻ hàng thời trang ở các thị trường chính vẫn tăng trưởng dương, cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thời trang được duy trì, dù triển vọng kinh tế kém khả quan.
Thứ hai, chi phí đầu vào của ngành dệt may như giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải biển giảm mạnh, góp phần giúp các doanh nghiệp dệt may kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát tăng cao và giá bán đầu ra gặp áp lực cầu giảm.
Thứ ba, nhiều nước mở cửa sau đại dịch Covid-19 làm giảm áp lực lên chuỗi cung ứng, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu ngành dệt may, giúp các doanh nghiệp chủ động mua nguyên vật liệu và tính toán thời gian giao hàng, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND dần ổn định giúp doanh nghiệp hạn chế tác động trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ tư, các mặt hàng xuất khẩu sang EU được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; trong đó, các sản phẩm thuộc danh mục B3 được hưởng thuế suất 0%, giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường EU. Các thị trường thuộc khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như Canada, Mexico ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.
Mặc dù vậy, Mirae Asset thận trọng dự phóng, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam năm 2023 dao động từ âm 4% đến dương 2%, trong khi xuất khẩu sợi tương đương năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận