Cổ phiếu thanh khoản thấp tăng giá có được coi là cổ phiếu mạnh?
Tính thanh khoản vốn là một trong những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu xét trên các tiêu chí đánh giá của Hệ thống đầu tư cổ phiếu mạnh thì những cổ phiếu thanh khoản thấp tăng giá có được coi là cổ phiếu mạnh?
Có thể sẽ có những lúc bạn tiếc nuối những cơ hội đầu tư vào cổ phiếu dù nhìn thấy hoặc biết cổ phiếu đó sẽ tăng giá mà không dám mua vì thanh khoản quá thấp.
Tuy nhiên bạn đừng quá nuối tiếc vì theo tôi bạn đã làm đúng.
Một tài sản có tính thanh khoản cao nếu nó có thể được bán nhanh chóng mà giá bán không giảm đáng kể , thường được đặc trưng bởi số lượng giao dịch lớn.
Ví dụ, tiền mặt có tính thanh khoản cao, vì nó thường có thể được “bán” (để đổi lấy hàng hóa) với giá trị gần như không thay đổi.
Chứng khoánhay các khoản nợ, khoản phải thu… có tính thanh khoản cao nếu chúng khả năng đổi thành tiền mặt dễ dàng. Cách gọi thay thế cho tính thanh khoản là tính lỏng, tính lưu động.
Khối lượng giao dịch của cổ phiếu bao nhiêu là thanh khoản thấp ?
Không có một con số chính xác để chỉ ra khối lượng giao dịch của cổ phiếu bao nhiêu là thấp, tuy nhiên những cổ phiếu thanh khoản thấp thường có 6 dấu hiệu về giao dịch như sau:
(1) Liên tục có những khoảng trống về giá giữa bên bán và bên mua khá xa nhau.
(2) Khoảng cách giữa các mức giá của cùng một bên mua hoặc bên bán cũng khá xa nhau
(3) Khối lượng ở các mức giá đôi khi chỉ bằng một đơn vị tối thiểu giao dịch ( 10 cổ phiếu với HSX và 100 cổ phiếu với HNX)
(4) Số lượng các lệnh đặt mua, đặt bán ít. Số lượng khớp lệnh ít, phần lớn thời gian không có giao dịch.
(5) Ít chịu tác động bởi những biến động lên hay xuống của thị trường chung, dù biến động đó có mạnh
(6) Dễ bị tác động về giá đóng cửa bằng một đơn vị khối lượng rất nhỏ so với số cổ phần niêm yết của doanh nghiệp
Tại sao cổ phiếu thanh khoản thấp vừa đáng chú ý vừa không đáng chú ý ?
Tính thanh khoản của cổ phiếu là một trong những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư.
Những cổ phiếu thanh khoản thấp thường không thu hút được sự chú ý của thị trường, thu hút sự chú ý của dòng tiền bởi khả năng khi tham gia vào những cổ phiếu này dòng tiền có khả năng bị ‘mắc cạn’.
Điều này không chỉ đúng với cổ phiếu của doanh nghiệp, nó đúng với cả thị trường chứng khoán sơ khai và quy mô nhỏ như của Việt Nam trước những dòng vốn đầu tư cực lớn đang lưu chuyển trên khắp thế giới.
Khi đầu tư vào những cổ phiếu thanh khoản thấp ngoài việc khó thực hiện một kế hoạch giao dịch (mua được cổ phiếu nào đó ở một mức giá kỳ vọng với khối lượng yêu cầu mà không tác động đến giá cổ phiếu và ngược lại với chiều bán) nhà đầu tư còn có nguy cơ phải chịu những rủi ro của doanh nghiệp mà không thể ‘thoát hàng’ một cách kịp thời để bảo toàn vốn.
Đó là những lý do Phương pháp đầu tư Cổ phiếu Mạnh thường không ưu tiên những cổ phiếu thanh khoản thấp vào hệ thống của mình, tôi chỉ bắt đầu theo dõi những cổ phiếu có khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày từ 20.000 cổ phiếu trở lên (cũng là một mức khá thấp nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhỏ).
Tuy nhiên ở một góc độ khác, bạn cần phải thừa nhận một thực tế và là nghịch lý của thị trường, những doanh nghiệp làm ăn tốt thường thanh khoản của cổ phiếu sẽ thấp thậm chí không có giao dịch bởi cổ đông hiện hữu không muốn bán rẻ những tài sản có giá trị như vậy.
Với nhiều nhà đầu tư giá trị, cổ phiếu thanh khoản thấp lại rất đáng chú ý bởi lý do đó.
Lời kết
Cổ phiếu thanh khoản thấp vừa đáng chú ý vừa không đáng chú ý. Hệ thống đầu tư Cổ phiếu Mạnh không coi những cổ phiếu thanh khoản thấp tăng giá là cổ phiếu Mạnh. Bởi những yếu tố làm nên sức mạnh của cổ phiếu không xuất phát từ sức mạnh của dòng tiền mà khối lượng giao dịch là một biểu hiện của nó.
Dù bạn chơi chứng khoán theo cách nào, hãy ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu thanh khoản phù hợp để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận