menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Tám

Cổ phiếu tăng trưởng bền vững bằng…niềm tin

Nguyên nhân gì khiến một cổ phiếu tăng trưởng một cách bền vững? Nguyên nhân trực tiếp làm cho giá cả của từng loại cổ phiếu nói riêng và thị trường nói chung vận động theo chiều hướng nào đó chí là niềm tin.

Khi tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán, tất cả chúng ta đều có chung 1 câu hỏi: Lý do gì để cổ phiếu tăng giá? Lý do gì mà ta lại mua hay bán cổ phiếu này mà không phải cổ phiếu kia? Tất cả sự tìm tòi, đánh giá phân tích xem xét các nội dung cơ bản của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp này tốt hay xấu, hay đến các chart kỹ thuật với những mô hình kinh điển được chứng minh qua thời gian đều là yếu tố hỗ trợ phía sau cho 1 quyết định đầu tư.

Đa số mọi người thường thất vọng và không thể hiểu được khi thấy cổ phiếu đánh giá là rất tốt lại không tăng, trong khi “đường tăng” lại đến các cổ phiếu không tốt, thậm chí là cổ phiếu lởm. Nguyên nhân trực tiếp làm cho giá cả của từng loại cổ phiếu nói riêng và thị trường nói chung vận động theo chiều hướng nào đó chí là niềm tin của NĐT.

Niềm tin trong đầu tư chứng khoán là sự tin tưởng, kỳ vọng khoản tiền vốn mà mình bỏ ra có thể mang lại dòng tiền lãi, và gia tăng được giá trị vốn đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Vì sao yếu tố niềm tin lại có ảnh hưởng trực tiếp đến tính tất yếu của quy luật cung cầu đến vậy?

Niềm tin ngắn hạn sẽ có tác động đến giá cả ngắn hạn, niềm tin dài hạn sẽ tác động đến xu hướng dài hạn. Niềm tin của NĐT đối với doanh nghiệp, đối với cổ phiếu dẫn đến họ hành động mua vào và khi niềm tin giảm đi thì kích thích sự bán ra. Niềm tin này đến từ đâu?

Niềm tin ngắn hạn

Trong ngắn hạn, niềm tin dưới góc độ đầu tư được xây dựng trên những con số lợi nhuận về kết quả kinh doanh tươi sáng trong kỳ, trong năm của doanh nghiệp. Các NĐT kỳ vọng về một tin tức tích cực đến từ vĩ mô, ngành nghề, chính sách có thể giúp doanh nghiệp hưởng lợi trong tương lai. Chúng ta kỳ vọng từ những chỉ số tài chính tốt đẹp, định giá còn nhiều tiềm năng qua các báo cáo phân tích. Và đặc biệt là sự tin tưởng doanh nghiệp chia cổ tức cao, tỷ suất hấp hẫn. Hoặc đơn giản là kỳ vọng doanh nghiệp được đối tác chiến lược mua cổ phần với giá cao, hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị cho doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh. Cũng không thể không nhắc đến sự kỳ vọng về một sản phẩm, dự án mới có tiềm năng sinh lời trong tương lai.

Và, niềm tin dưới góc độ “kỹ thuật” đến từ sự phân tích biểu đồ. NĐT cho rằng đồ thị đẹp, cổ phiếu sẽ tăng được giá. Nhiều trong số chúng ta hy vọng những tin tức nội bộ, tin đồn trên thị trường có tác động đến doanh nghiệp. Hay những niềm tin “phi lý trí” từ các cổ phiếu đầu cơ nóng, cổ phiếu “lởm” khiến những NĐT tin rằng có thể kiếm lời nhanh chóng, tin rằng trong trò chơi “đổi chỗ”, mình sẽ không phải là người cuối cùng bị “đổ vỏ” cho 1 vòng quay đầu cơ.

Niềm tin dài hạn

Đây là yếu tố quyết định then chốt đến sự sống còn của doanh nghiệp, của sự vận động giá dài hạn của cổ phiếu. Niềm tin này đến từ đâu? Niềm tin đầu tiên đến từ sự tin tưởng vào lãnh đạo doanh nghiệp. NĐT dài hạn họ tin vào ban lãnh đạo có năng lực, có trách nhiệm, có lương tâm, cùng chung nhau mục đích xây dựng bền vững, từ tốt đến vĩ đại, chứ không phải kiểu lãnh đạo hút máu, lấy tiền của cổ đông nhỏ lẻ để làm đầy túi tiền cho mình. Họ không tin vào những lãnh đạo hay bàn luận về cổ phiếu mà không tập trung trả lời cho câu hỏi làm thế nào để doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn.

Những gì lãnh đạo đã nói mà không làm, hay nói một đằng làm một nẻo đều làm mất lòng tin của NĐT. Những lãnh đạo cần kiệm, liêm khiết sẽ biết cách làm cho doanh nghiệp trong sạch, tiết kiệm, những lãnh đạo xa xỉ, ăn chơi thì bòn rút tiền của doanh nghiệp. Và đặc biệt, điều khiến NĐT dài hạn kỵ nhất và sẽ không đầu tư vào doanh nghiệp là việc lãnh đạo đó có “tiền sử” chuyên lướt sóng cổ phiếu. Doanh nghiệp là của họ, họ có lợi thế về thông tin, lợi thế về công cụ sử dụng để tạo sóng cho cổ phiếu. Bởi vậy, làm cách nào để NĐT nhỏ lẻ có thể đấu lại được với những chủ doanh nghiệp đang chiến đấu với họ để tranh giành tiền bạc trên sân chơi mà họ tạo ra được?

Niềm tin tiếp theo chính là sự vững chắc trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp, NĐT dài hạn rất thích điều này. Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp như máu trong cơ thể con người. Những doanh nghiệp có nợ vay mất cân bằng, tất yếu khi khủng hoảng dễ lâm vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”, đặc biệt chịu tác động mạnh từ lãi suất vay vốn.

Niềm tin đến từ sự bền vững và có tiềm năng tốt trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh theo thời gian, doanh nghiệp tăng trưởng không bị giới hạn ở thị trường, ở sự sáng tạo sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận tăng theo, tạo ra giá trị dài hạn cho những khoản đầu tư lâu dài. Từ Ban lãnh đạo có tầm nhìn và có lương tâm + cơ cấu tài chính tốt + ngành nghề không giới hạn thì doanh nghiệp có thể vượt qua khủng hoảng, phát triển lâu dài. Khi GIC (Qũy đầu tư của Singapore năm 2016 khi đặt vấn đề mua cổ phần của VCB, khi ấy ngân hàng này đang muốn tăng vốn nên tìm kiếm NĐT chiến lược. Bạn có biết lúc đó GIC đặt bao nhiêu câu hỏi cho ban lãnh đạo không? Hơn 1 ngàn câu hỏi! Và trong đó có đến một nửa là những thắc mắc về phi tài chính, tập trung vào tầm nhìn và sự trong sạch của ban lãnh đạo, yếu tố con người. Những câu hỏi phi tài chính đó được họ đặt ưu tiên hàng đầu và là chìa khóa để rót vốn đầu tư.

Tóm lại, chỉ khi nào doanh nghiệp, cổ phiếu xây dựng được niềm tin cho NĐT thì cổ phiếu đó mới có sự tăng trưởng cả về ngắn hạn và bền vững trong dài hạn. Nếu thiếu niềm tin dài hạn thì cổ phiếu có tươi sáng cũng chỉ là ngôi sao băng vụt qua rồi biến mất trong màn đêm. Nếu cổ phiếu tập trung quá nhiều niềm tin “phi lý trí” cũng như bông hoa nhanh nở nhanh tàn. Cổ phiếu nào gây dựng được lòng tin cho NĐT cả ngắn hạn và dài hạn thì xứng đáng sẽ là “giấc ngủ ngon cho NĐT”.

Khi bạn đã hiểu về những điều này, chắc sẽ không còn thắc mắc vì sao cổ phiếu này tốt mà không tăng giá, hay cổ phiếu xấu mà giá vẫn lên ầm ầm. Bạn đừng lo, rồi thời gian sẽ cho bạn thấy, nếu cổ phiếu thật sự là tốt mà chưa tăng giá thì nó đang trong quá trình gây dựng lòng tin cho các NĐT.

Nếu khi gặp thị trường biến cố, NĐT có lao vào bắt đáy chắc hẳn chỉ chọn mã mà mình tin tưởng thôi đúng không? Lúc này trỗi dậy trong bạn là niềm tin dài hạn nhưng bạn lại áp dụng nó để bắt T+. Nhưng dù sao mọi thứ đều ổn. Đây là 1 kinh nghiệm bắt đáy khi thị trường bán tháo theo hiệu ứng tâm lý thì NĐT nên chọn cổ phiếu có niềm tin càng cao càng tốt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
20 Yêu thích
10 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại