Cổ phiếu PVR vẫn bật trần dù tiếp tục báo lỗ quý 3
Thêm một quý không có doanh thu, PVR tiếp tục ngậm ngùi báo lỗ hơn 1,4 tỷ đồng trong quý 3/2020.
CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2020 với điều đặc biệt là trở lại quỹ đạo không có doanh thu như quý 4/2019 và quý 1/2020.
Trong khi đó, doanh thu tài chính mang về vỏn vẹn hơn 11 triệu đồng, nhưng chi phí tài chính chiếm tới 572 triệu đồng, tăng mạnh 44% so cùng kỳ. Đồng thời, chi phí quản lý cũng "ngốn" 881 triệu đồng.
Với việc không có nguồn thu nhưng chi phí vẫn tăng vọt thì điều dĩ nhiên là PVR tiếp tục báo lỗ hơn 1,4 tỷ đồng trong quý 3/2020, cao hơn nhiều so mức lỗ chỉ 245 triệu của cùng kỳ. Ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp PVR chìm trong thua lỗ.
Nhờ quý 2/2020 có doanh thu nên luỹ kế 9 tháng, PVR ghi nhận 393 triệu đồng doanh thu thuần, giảm gần 80% so cùng kỳ. Sau khi trừ các loại chi phí, PVR tiếp tục gánh lỗ 2,8 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so mức lỗ 1 tỷ của cùng kỳ. Với con số lỗ này, nâng lỗ luỹ kế của PVR lên tới 75 tỷ đồng.
Năm 2020, PVR đặt kế hoạch doanh thu 1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 5,5 tỷ đồng. Kế hoạch này chưa xác định đến rủi ro từ dự án khu du lịch cao cấp quốc tế Ba Vì, dự án CT10-11 Văn Phú và trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư khác.
Tại thời điểm 30/9/2020, nợ phải trả của PVR ở mức 528 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngắn hạn với 502 tỷ đồng. Trong đó chiếm lớn nhất là khách hàng mua căn hộ dự án Văn Phú (256 tỷ), CTCP Đầu tư Phát triển Bình An (106 tỷ), cổ tức năm 2010 và 2011 phải trả (hơn 18 tỷ)...
PVR vẫn tiếp tục ghi nhận 692 tỷ đồng hàng tồn kho từ dự án Khu đô thị Văn Phú.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 2/2020, đơn vị kiểm toán còn từ chối đưa ra ý kiến liên quan đến loạt vấn đề như công ty chưa kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản tiền nhận cọc khách hàng cho dự án Văn Phú; chưa trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An hơn 205 tỷ.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng không thể đưa ra được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Bình An ngày 30/6/2011 giữa CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) và PVR cũng như không xác định được liệu các cổ đông của Bình An đã góp vốn đủ chưa.
Hay giá trị đầu tư xây dựng cơ bản dở dang của dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên luỹ kế gần 68 tỷ đồng cũng không đánh giá được tổn thất từ dự án này...
Hoạt động thua lỗ là vậy, song PVR cho biết báo cáo tài chính quý 3 được lập trên cơ sở hoạt động liên tục, không có ý định ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô.
Đáng nói, ngay trong ngày công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 thua lỗ nhưng cổ phiếu PVR đột nhiên tăng trần sau một thời gian dài "ngủ đông" vọt lên 1.700 đồng/cp trong phiên 16/10, ghi nhận mức tăng gần 31% trong vòng 1 tháng qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận