[Cổ phiếu nổi bật tuần] Thị giá HSL giảm hơn 25,16% trong một tuần cùng với câu hỏi về hạch toán doanh thu
Thị giá của HSL đã rơi về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE. Cùng với đó, BCTC năm 2019 cho thấy việc Công ty đang "bán chịu" với giá trị lớn cho nhiều khách hàng.
Diễn biến giá của HSL tuần vừa qua
Thị trường hồi phục nhẹ giữa những nỗi lo về dịch nCoV trong tuần vừa qua. VN-Index đã tăng lại 0,4% trong khi HNX-Index tăng tới 2,5%. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy và để lại những hậu quả lớn lên thị giá.
Diễn biến giá cổ phiếu HSL.
Một trong các trường hợp đáng chú ý nhất là cổ phiếu HSL của CTCP Hồng Hà Sơn La. Tưởng như HSL sẽ không chịu ảnh hưởng từ tiêu cực từ thị trường khi vẫn tăng trong phiên đầu xuân Canh Tý thì tuần qua thị giá của cổ phiếu HSL giảm 25,16% xuống 6.130 đồng/cổ phiếu. Qua đó, HSL cũng rơi xuống mức thấp nhất lịch sử giao dịch của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn vào tháng 5/2018.
Lượng giao dịch của HSL trong phiên bắt đáy ngày 6/2 lên tới 740 nghìn đơn vị, xấp xỉ 4,7% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn nỗi lo giảm tiếp khi tính toán tới thanh khoản 2 phiên ngày 30/1 và 31/1. Tổng khối lượng cổ phiếu được mua bán trong 2 phiên này lên tới 2,6 triệu cổ phiếu.
So sánh với một doanh nghiệp đang có ngành nghề tương đồng với HSL là CAP, nhà đầu tư sẽ buộc phải đặt ra nhiều lo ngại khi giá của CAP hầu như vẫn loanh quanh đi ngang ở vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu và cũng không có thanh khoản giao dịch trên sàn.
Cùng chung ngành nghề với CAP, HSL hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, và kinh doanh nông sản (sắn, ngô…) sản phẩm chính của Công ty là tinh bột sắn (khoai mì), ngô sấy, sắn lát sấy… được sản xuất trên hệ thống nhà máy và dây chuyền chế biến đặt tại bản Cung Tà Lang, xã Tú Nang, Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Kết quả kinh doanh năm 2019 được báo cáo rất ấn tượng và là một trong lý do chính để nhà đầu tư ban đầu kỳ vọng HSL có thể không chịu ảnh hưởng từ thị trường chung. Cụ thể, kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của HSL tăng 48,34% lên 464,52 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 33,84% lên 47,07 tỷ đồng. Riêng quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế của HSL tăng tới gần 50% lên 19,3 tỷ đồng.
Cùng với đó là việc HSL hầu như không vay nợ. Tổng vốn chủ sở hữu của HSL tính đến 31/12 là 234,8 tỷ đồng trong khi nợ phải trả chỉ là 11,22 tỷ đồng với quỹ khen thưởng, phúc lợi là 5,88 tỷ đồng và phải trả người bán là 3,03 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng chính BCTC năm 2019 lại để lại "vết gợn" trong quan điểm đầu tư của các nhà đầu tư theo trường phái thận trọng. Đó là việc khoản phải thu ngắn hạn lên tới 128,44 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản của Công ty. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 99,2 tỷ đồng.
Nguồn BCTC quý IV/2019.
2 trong số các khách hàng lớn đang nợ tiền của HSL là Công ty TNHH Đầu tư Bắc Vương và Công ty TNHH Xây dựng Kinh Bắc Thăng Long lại đang hoạt động trong mảng bất động sản. Và còn lại gần một nửa giá trị khoản phải thu khách hàng không được HSL công bố thông tin chi tiết.
Điều này cho thấy dường như đang có vấn đề trong cách ghi nhận doanh thu của HSL khi doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lại bán chịu cho các đối tác không có chuyên môn về kinh doanh nông sản. Cùng với việc đại dịch nCoV đang làm đình trệ hoạt động giao thương trong nước và quốc tế, khả năng tiêu thụ lượng hóa trên vẫn sẽ là một câu hỏi lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận