Cổ phiếu “nghẽn”, trái phiếu cũng khó hấp dẫn
Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu gặp trở ngại vì trục trặc hệ thống giao dịch, một số nhà đầu tư tính đến kênh đầu tư thay thế như quỹ trái phiếu. Tuy nhiên, lợi suất mà sản phẩm này mang lại chưa thực sự hấp dẫn.
Tại Việt Nam, một số quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất có thể kể tới Quỹ đầu tư trái phiếu TCBF của Công ty Chứng khoán Techcombank, Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) của Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt, Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Quỹ đầu tư trái phiếu PVcom (PVBF) do PVCB Capital - công ty quản lý quỹ chuyên biệt thuộc PVcomBank quản lý, Quỹ đầu tư trái phiếu SSIBF do Công ty Chứng khoán SSI quản lý…
Các quỹ đầu tư trái phiếu tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào các loại chứng khoán nợ, bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi… Mỗi quỹ phân bổ tài sản vào các loại tài sản đầu tư với tỷ trọng khác nhau, nhưng có mục tiêu chung là tạo khả năng sinh lời tốt, ổn định.
Hiện tại, TCBF đang là quỹ mở đầu tư trái phiếu lớn nhất Việt Nam với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt 24.448 tỷ đồng tính tới đầu năm 2021. Các quỹ còn lại có phần lép vế như BVBF có tài sản ròng tính tới cuối tháng 1/2021 là 181,1 tỷ đồng, dù con số này tăng 124,31% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới ngày 3/3/2021, giá trị tài sản ròng của VFMVFB là 620,48 tỷ đồng, trong khi của PVBF tính tới ngày 23/2/2021 là 76,2 tỷ đồng.
Dù TCBF tập trung phân bổ tài sản đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp lớn (Vingroup, MasanGroup, Novaland…) có lợi suất cao hơn so với các sản phẩm như trái phiếu chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, nhưng hiệu suất đầu tư của TCBF thấp hơn so với một số quỹ khác như BVBF, VFMVFB…
Trong khi đó, BVBF đang đầu tư 43,55% tài sản vào trái phiếu chính phủ và 41,88% tiền gửi, chỉ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức 13,52% tài sản.
Nhìn chung, hiệu suất sinh lời của các quỹ đầu tư trái phiếu không quá nổi trội so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí một số quỹ có lợi suất dưới 3%/năm.
Trong năm 2020, lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến trong khoảng 5,6 - 6,8%/năm. Một số nhà băng tư nhân áp dụng mức lãi suất cao hơn, lên đến 8%/năm.
Mặt bằng lãi suất này giảm so với giai đoạn trước, bởi một số biến động của nền kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến tốc độ tăng trưởng của huy động vốn nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, lợi suất mà nhiều quỹ đầu tư trái phiếu mang lại cho nhà đầu tư trong năm qua ở mức thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ của BVBF chỉ tăng 2,17%.
Đáng chú ý, nhà đầu tư góp vốn vào quỹ trái phiếu phải chịu thuế thu nhập, chi phí quản lý cho công ty quản lý quỹ (khoảng 1% giá trị danh mục) và mất phí bán lại chứng chỉ quỹ (có thể lên tới hơn 1%). Cộng các khoản chi phí này, lợi nhuận thực nhận của nhà đầu tư thấp hơn so với tỷ suất đầu tư của quỹ.
Mới đây, trước tình trạng “tắc nghẽn” của thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đề xuất nâng lô giao dịch cổ phiếu từ 100 lên 1.000 (trước đó đã nâng lô từ 10 lên 100), có ý hướng nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, với mức lợi suất không cao, cùng các chi phí phải chịu kể trên, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu khó có thể thu hút nhà đầu tư cá nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận