Cổ phiếu ngành thép đang "nổi như cồn" sức khỏe Tôn Đông Á trước thềm IPO ra sao ?
Quyết định IPO, sau đó là niêm yết trên HoSE trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngành tôn, thép đang "lên như diều gặp gió", Tôn Đông Á sẽ có nhiều lợi thế về thị trường, khả năng hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư là rất cao. Nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp này không có những rủi ro.
Theo dự kiến, CTCP Tôn Đông Á (TDA) sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11 tới, trong đó gồm 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán.
Nếu bán thành công 100%, tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị. Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong tháng 1/2022.
Kinh doanh ổn định
Hiện, Tôn Đông Á là công ty sản xuất tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần năm 2020 là 16%, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong 8 tháng đầu năm 2021, công ty bán ra gần 500.000 tấn tôn, tương đương 15% thị phần. Riêng tại miền Nam – thị trường chiếm khoảng 82% - 84% sản lượng tiêu thụ nội địa của Tôn Đông Á, công ty chiếm thị phần cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Tôn Đông Á có 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 (Bình Dương) với công suất hàng năm lên đến 850.000 tấn, chiếm khoảng 10% công suất trong nước. Bên cạnh đó, do các nhà máy dự kiến sẽ tiệm cận công suất tối đa vào cuối năm 2021, Tôn Đông Á dự kiến sẽ tăng công suất tôn mạ thêm 40% lên 1,2 triệu tấn, đồng thời nâng công suất thép cán nguội (CRC) và công suất tôn mạ màu.
Xét theo cơ cấu, phần lớn doanh thu của Tôn Đông Á đến từ kênh nội địa với tỷ trọng trung bình 60% tổng sản lượng tiêu thụ và doanh thu, 80% lợi nhuận gộp trong 3 năm qua. Biên lợi nhuận gộp từ kênh nội địa cũng thường cao và ổn định ở mức khoảng 8% -11% trong 5 năm trở lại đây.
Về triển vọng, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tôn Đông Á trong năm 2021 có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử, lần lượt là 25.300 tỷ đồng và 1.250 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 105% và 343% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2021 có thể tăng 17% so với năm ngoái, đạt 783.000 tấn nhờ vào kênh xuất khẩu là động lực chính khi tăng trưởng tới 152%. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ giảm hơn 44% về còn 257.000 tấn do tác động của dịch Covid-19 và việc tập trung vào sản lượng xuất khẩu.
Biên lợi nhuận gộp năm 2021 ước tính sẽ cải thiện từ 7,4% lên 10,3% nhờ xu hướng tăng của giá thép giúp tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021.
Tầm nhìn đến năm 2022, sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng 5% lên mức 822.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước tính phục hồi 60% trong khi sản lượng xuất khẩu có thể giảm 22%; biên lợi nhuận gộp có thể trở về mức bình thường là 9,1% do không còn lợi thế hàng tồn kho giá rẻ và tỷ trọng doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm xuống. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính sẽ ổn định ở mức 1.230 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận