Cố phiếu ngân hàng toàn cầu tiếp tục giảm sâu sau vụ SVB phá sản
Ảnh hưởng từ vụ phá sản ngân hàng SVB đang tiếp tục tác động mạnh tới cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu ngày 14/3, trong khi những lời cam kết từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách Mỹ chưa thể xoa dịu thị trường.
Nhằm trấn an thị trường và những người gửi tiền tại SVB, chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để củng cố hệ thống ngân hàng. Các cơ quan quản lý cũng thiết lập một cơ sở mới để cho phép các ngân hàng tiếp cận với các quỹ khẩn cấp trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giúp các ngân hàng dễ dàng vay hơn trong trường hợp khẩn cấp.
Trong một bức thư gửi khách hàng ngày 13/3, Giám đốc điều hành mới của SVB Tim Mayopoulos, cho biết ngân hàng đã mở cửa và vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh như bình thường ở Mỹ. Ông dự kiến SVB sẽ tiếp tục các giao dịch xuyên biên giới trong những ngày tới.
Theo ông, vài ngày qua là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với khách hàng và nhân viên của SVB. Ông khẳng định khách hàng hoàn toàn có thể giao dịch kinh doanh như bình thường nhưng sẽ mất thời gian một chút do khối lượng giao dịch lớn.
Tuy nhiên các biện pháp này cùng với lời động viên của Tổng thống Joe Biden vẫn không xua tan được lo lắng của nhà đầu tư về khả năng lan rộng của vụ phá sản này.
Theo Reuters trích dẫn ông Damien Boey, chiến lược gia trưởng tại ngân hàng đầu tư Barrenjoey có trụ sở tại Sydney, khách hàng đã bắt đầu rút tiền hàng loạt và thị trường liên ngân hàng trở nên căng thẳng. Ông cho biết vốn các biện pháp thanh khoản có thể ngăn chặn những động lực này, nhưng các khách hàng trung lưu xem tin tức mà vẫn lựa chọn xếp hàng chờ rút tiền.
Trên thị trường tiền tệ, các chỉ báo về rủi ro tín dụng ở Mỹ và hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro tăng lên. Việc các nhà đầu tư lo sợ về những thất bại tiếp theo cũng khiến các ngân hàng lớn của Mỹ mất khoảng 90 tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán ngày 13/3, nâng khoản lỗ trong 3 phiên giao dịch vừa qua lên gần 190 tỷ USD.
Trong khi đó, các ngân hàng của Mỹ là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính tới 14/3, cổ phiếu của ngân hàng First Republic Bank đã giảm hơn 60% khi tin tức về nguồn tài chính mới không trấn an được các nhà đầu tư. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã xem xét hạ cấp ngân hàng này.
Các ngân hàng khác trong khu vực cũng chứng kiến cổ phiếu sụt giảm mạnh, ví dụ như Western Alliance, KeyCorp, Comerica Inc, Huntington Bancshares Inc và PacWest Bancorp đều ghi nhận mức giảm từ 16% đến 29%. Thậm chí, đã có nhiều lần giao dịch cổ phiếu ngân hàng bị ngừng do chỉ số ngân hàng khu vực KBW giảm 5,4% và chỉ số ngân hàng S&P 500 giảm 6%.
Về phía châu Âu, chỉ số ngân hàng STOXX của khu vực này giảm hơn 5,7% trong khi cổ phiếu các ngân hàng Commerzbank của Đức giảm 12,7% và Credit Suisse giảm 9,6% xuống mức thấp kỷ lục.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngân hàng châu Á kéo dài đà giảm vào ngày 14/3 với chỉ số phụ của ngân hàng Nhật Bản giảm 6,7% đầu phiên giao dịch xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 12/2022
Các công ty trên toàn cầu có tài khoản tại SVB đã buộc gấp rút đánh giá tác động đối với tài chính của mình. Tại Đức, ngân hàng trung ương đã triệu tập nhóm xử lý khủng hoảng để đánh giá bất kỳ hậu quả nào. Trong khi đó sau nhiều cuộc đàm phán cuối tuần kéo dài, HSBC cho biết đang mua lại chi nhánh SVB tại Anh với giá 1,21 USD.
Tuy chi nhánh của SVB tại Vương quốc Anh không lớn, sự sụp đổ đột ngột của nó vẫn khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ sinh học. Do đó trong khuôn khổ chuyến thăm tới Mỹ ngày 12/2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định vụ phá sản của SVB không gây ra rủi ro về hệ thống với ngành ngân hàng Anh do các ngân hàng của quốc gia này “có vốn tốt và thanh khoản cao”.
Tại Trung Quốc, nơi SVB là ngân hàng nước ngoài chính của phần lớn các công ty mới startup, các doanh nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm đang gấp rút tìm kiếm các nguồn vốn thay thế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận