Cổ phiếu ngân hàng: 'Sẽ có những đợt sóng về cuối năm'
Nhận định về cổ phiếu ngành ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta cho rằng: Hiện mức định giá của nhóm ngân hàng đang rất hấp dẫn. Với nhiều yếu tố thuận lợi, lợi nhuận quý 4 được cải thiện, giá cổ phiếu các nhà băng sẽ có những đợt sóng từ nay tới cuối năm.
Chốt phiên 1/10, VN-Index giảm 7,17 điểm xuống 1.334,89 điểm. Trong đó, VN30 giảm mạnh 11,93 điểm, xuống 1.441,83 điểm. Dòng ngân hàng giảm mạnh sau thông tin nợ xấu và tiềm ẩn có thể xấp xỉ 8% vào cuối năm nay. Trong tất cả các mã ngân hàng niêm yết, chỉ có NVB và TPB tăng điểm, còn lại đều suy giảm, đáng kể như VPB giảm 3,03%, STB giảm 3,89%, LPB giảm 3,46%, VCB giảm 1,34%, TCB giảm 1,21%, MSB giảm 1,71%...
Nhóm cổ phiếu "vua" bị hắt hủi nằm trong xu hướng chung của thị trường khi dòng tiền thời gian qua rút mạnh khỏi nhóm vốn hoá lớn và chảy vào nhóm Midcap và Smallcap. Tuy nhiên, với tỷ trọng 30% vốn hoá HOSE cổ phiếu các nhà băng thường đi trước, dẫn dắt xu thế tăng, giảm của thị trường. Cho tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm từ đáy tháng 7 tới nay, có những cổ phiếu đã chạm đáy tháng 4 khi VN-Index rơi về mốc gần 1.200 điểm.
Theo thống kê của Nhadautu.vn, kết phiên giao dịch ngày 1/10, gần 1 nửa số cổ phiếu ngân hàng đã giảm về mức đáy ngày 26/4 khi Vn-Index lao dốc chỉ còn 1.215 điểm. Trong đó, ngân hàng bị mất giá mạnh nhất là VIB (-36%), sau đó là CTG (-25%); một số ngân hàng có mức giảm trên 10% như BAB, EIB, VAB. Một vài trường hợp dựa vào game riêng đang phục hồi và tăng trưởng mạnh như NVB (game đổi chủ), TPBank (game tăng vốn, mở rộng quy mô, là ngân hàng được room cấp tín cao nhất hệ thống).
Những yếu tố như kết quả kinh doanh tích cực, những "game" khủng từ tăng vốn, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, bán vốn nhà đầu tư nước ngoài, thoái vốn công ty con, đổi chủ... từng là nhân tố đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng tăng phi mã, liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian tăng trưởng nóng, cổ phiếu các nhà băng dần ổn định lại, phù hợp hơn với định giá chung của thị trường.
Theo tính toán của Nhadautu.vn, chốt phiên 1/10, chỉ số P/E và P/B nhóm ngân hàng đã về mức trung bình là 15x và 1,89x. Riêng chỉ số P/E loại trừ trường hợp NVB có sự đột biến so với toàn ngành, đa số đều đang ở vùng định giá rất hấp dẫn dưới 17x; hơn một nửa ngân hàng mức P/B hiện về dưới 1,7x.
Nhìn bối cảnh vĩ mô, có thể thấy những con số đáng lo ngại từ nền kinh tế khi GDP quý 3 lần đầu giảm 6,17%, tính chung 9 tháng tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản tiếp tục tăng và dự báo sẽ còn tăng cao sau khoảng thời gian thắt chặt giãn cách khiến doanh nghiệp không thể hoàn thiện thủ tục giải thể. Việc kinh tế lao đao ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt với những nhóm ngành ngân hàng chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh và gián tiếp như ngân hàng với lo ngại nguy cơ nợ xấu tăng mạnh, cầu tín dụng suy giảm. Ngoài ra, việc NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng tác động đáng kể tới viễn cảnh lợi nhuận của các nhà băng.
Báo cáo mới đây của NHNN đưa dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 của ngành ngân hàng sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Việc thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN là một trong những giải pháp căn cơ để nợ xấu ngân hàng không tăng đột biến trong một khoảng thời gian và giảm áp lực tăng trích lập dự phòng quá lớn lên hệ thống.
Sẽ có những đợt sóng cổ phiếu ngân hàng về cuối năm
Những con số lợi nhuận ngành ngân hàng quý 3 chưa được công bố, tuy nhiên, trước thực tế tác động của dịch bệnh, đa số các nhận định của các chuyên gia đều cho rằng, lợi nhuận ngân hàng quý 3 sẽ suy giảm và dần phục hồi vào quý 4.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Nhóm cổ phiếu ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hầu như đi ngang hoặc đi xuống và chưa có dấu hiệu hồi phục có thể đến từ dự báo lợi nhuận quý 3 của các nhà băng không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không kéo dài tới cuối năm vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá cho cổ phiếu của các nhà băng.
Trước tiên là việc NHNN cho giãn Thông tư 01 kéo dài tới tháng 6/2022 sẽ khiến các ngân hàng tiết kiệm được lượng lớn chi phí dự phòng đáng ra phải trích lập trong quý 4. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng về cuối năm sẽ tốt hơn khi nền kinh tế dần mở cửa, phục hồi trở lại; lãi suất khó giảm thêm nên không còn gây ảnh hưởng tới hệ số NIM của các ngân hàng.
Một số ngân hàng cũng có những câu chuyện riêng về tăng vốn, bán công ty con; nhiều ngân hàng chưa hạch toán hết thu từ bancassurance; việc điều chỉnh phí bancassurance cũng kỳ vọng mang lại một phần thu nhập ngoài lãi cho các ngân hàng. Một số ngân hàng như TCB, OCB lại có khoản đầu tư trái phiếu khá lớn, có thể phần nào bù đắp khi tín dụng chưa tăng trưởng mạnh trở lại.
Về triển vọng giá cổ phiếu nhóm ngân hàng, ông Minh cho rằng, hiện cổ phiếu ngân hàng giảm một phần do dòng tiền chung của thị trường không đi vào nhóm doanh nghiệp có vốn hoá lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ sớm đảo chiều.
Thị trường chung gần như đã đến đáy khi phản ảnh rõ bức tranh kinh tế ảm đạm của quý 3. Với mức P/E của VN-Index 16x đã là mức rất hấp dẫn so với đầu năm và các nước trên thế giới. Cho tới thời điểm hiện tại, dự báo rằng, mức cao nhất thị trường sẽ đạt được từ nay tới cuối năm là 1.420 điểm phù hợp với mức định giá P/E 18x.
Riêng với nhóm ngân hàng, theo ông Minh, trong 2 năm trở lại đây là nhóm có giá trị vốn hoá lớn nhất, dẫn dắt xu hướng thị trường chung. Vì vậy, muốn VN-Index quay trở lại mốc 1.420 thì dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn phải là nhóm dẫn dắt. "Khả năng nhóm ngân hàng sẽ tăng trở lại là khá cao bằng những câu chuyện riêng như thoái vốn, thực hiện tăng vốn để tăng room tín dụng, lợi nhuận tốt so với đa số doanh nghiệp trong nền kinh tế… hứa hẹn sẽ có những đợt sóng khi kinh tế hồi phục", ông Minh nói.
Sau những đợi điều chỉnh giảm sâu vừa qua, hiện P/E và P/B của các ngân hàng được cho là đang ở mức rất hấp dẫn. Trước đó, để tìm những nhà băng có mức P/B dưới 2x là không đơn giản, còn mới mức P/B 1,5x gần như tìm đỏ mắt cũng không thấy thì nay đã khác, có rất nhiều lựa chọn đáng lưu ý với nhóm này.
Ông Minh nhấn mạnh, các nền tảng vĩ mô của ngân hàng đang rất tốt, những biến động về nợ xấu không quá đang ngại với hệ thống như trước đây; đặc biệt thanh khoản hệ thống ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng. Với việc nền kinh tế dần hồi phục trở lại trong quý 4 khiến các ngân hàng mạnh dạn hơn trong giải ngân tín dụng sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội từ nay đến cuối năm 2021, hứa hẹn có những đợt sóng mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận