Cổ phiếu nào sẽ tăng mạnh nhất theo giá dầu?
Theo nghiên cứu của SSI, BSR là mã có diễn biến tương quan thuận với giá dầu Brent mạnh nhất ở mức 0,82; tiếp đó là PLX (0,78), GAS (0,77), PVT (0,68), PVS (0,67), PVD (0,6), PVB (0,5). Hai mã trong ngành phân bón cũng có tương quan thuận mới giá dầu Brent là DPM (0,24) và DCM (0,02).
Cổ phiếu ngành dầu khí đang có những phiên giao dịch sôi động với giá và thanh khoản đều tăng mạnh.
Trong 5 phiên giao dịch tuần trước, cổ phiếu trụ cột của ngành là GAS đã tăng tới 13,7% với khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục gần 14 triệu cổ phiếu. Tương tự, PVS và PVD cũng tăng lần lượt 9,5 và 13,5% với thanh khoản ở mức cao, trong khi BSR, PLX, PVT đều tăng từ 3 – 6%.
Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu bật tăng mạnh trên thị trường quốc tế vào tuần trước. Cụ thể, đóng cửa tháng 9, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ vọt lên gần 75 USD/thùng, tương đương tăng hơn 10% trong tháng qua. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng tăng gần 10% lên hơn 78 USD/thùng.
Đà tăng ấn tượng của giá dầu đến từ sự phục hồi trong nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm trong 9 tháng đầu năm.
Theo giới phân tích, định giá toàn ngành dầu khí đã được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, cũng như thanh khoản dồi dào đổ vào thị trường chứng khoán.
Trong báo cáo vào đầu tháng 6, Chứng khoán SSI cho biết, đối với ngành dầu khí ở Việt Nam, giá dầu duy trì trên mức 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cũng là một chiến lược được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhiều dự án tổ hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt sẽ bổ sung nguồn khí nhập khẩu cho nhu cầu phát điện trong tương lai.
Theo nghiên cứu dữ liệu quá khứ của SSI, BSR là mã có diễn biến tương quan thuận với giá dầu Brent mạnh nhất ở mức 0,82; tiếp đó là PLX (0,78), GAS (0,77), PVT (0,68), PVS (0,67), PVD (0,6), PVB (0,5). Hai mã trong ngành phân bón cũng có tương quan thuận mới giá dầu Brent là DPM (0,24) và DCM (0,02).
Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect nhận định do có sự tương quan cao với giá dầu Brent, giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới. Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành Dầu khí trong năm 2021 do làn sóng Covid-19 hiện tại, nhóm phân tích tin rằng đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Điều này là do giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS. Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, cho thấy hoạt động Thăm dò & Khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ đà tang giá hiện nay.
Giống như SSI, VnDirect cho biết, tại Việt Nam, giá dầu Brent duy trì trên 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả.
Theo VnDirect, trong trường hợp giá dầu Brent ở mức 80 USD/thùng, định giá cổ phiếu GAS sẽ đạt 120.500 đồng; con số này là 115.00 đồng nếu giá dầu ở mức 75 USD/thùng
Với PVS, việc giá dầu trung bình năm kỳ vọng ở mức cao hơn có thể kéo theo việc điều chỉnh tăng giá thuê ngày cùng với sự đóng góp của FSO Golden Star. VNDirect kỳ vọng lợi nhuận từ các đơn vị liên doanh sẽ đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của PVS trong ngắn hạn.
Trong khi đó, giá dầu mạnh sẽ tạo động lực cho các chủ mỏ cũng như các cơ quan chức năng khởi động các dự án mỏ khí trọng điểm như Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh, đem đến lợi ích lâu dài cho PVS. Đối với giai đoạn 2021-2023, dự báo tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của PVS là 19,7% nhờ đà tăng vững mạnh của giá dầu.
VNDirect dự báo cổ phiếu PVS sẽ leo lên mức lần lượt 32.700 đồng và 35.000 đồng, tương ứng với giá dầu 75 USD/thùng và 80 USD/thùng.
Đối với PVD, đây là doanh nghiệp có giá cổ phiếu lệch nhịp so với diễn biến giá dầu trong thực tế, chủ yếu do thị trường khoan vẫn ảm đạm bởi diễn biến phức tạp của đại dịch.
Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng rằng thị trường khoan trong khu vực sẽ ấm dần lên nhờ giá dầu thực tế tăng mạnh cùng với các chiến dịch tiêm chủng, giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ quý III trở đi, đặc biệt là từ 2022 khi các giàn khoan của PVD có thể trở lại hoạt động ở nước ngoài như năm 2019.
Đáng chú ý, việc giàn TAD dự kiến hoạt động trở lại từ quý IV sau hơn 4 năm tạm dừng hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới cho PVD trong những năm tới.
Với nhận định này, VnDirect ước tính giá cổ phiếu PVD có thể đạt 29.800 đồng nếu giá dầu Brent tăng lên 80 USD/thùng.
Tại PVT, Sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu và nhu cầu dầu toàn cầu có thể thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng, giúp giá cước vận chuyển dầu thô được hưởng lợi.
Do đó, VNDirect kỳ vọng PVTrans có thể hưởng lợi từ nhu cầu vận tải xăng, dầu phục hồi sau đại dịch, và công ty đã và đang khởi động lại kế hoạch đầu tư đầy tham vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Đối với giá cổ phiếu, nhóm phân tích kỳ vọng PVT có thể tăng 17% lên mức 26.500 đồng/cp trong trường hợp giá dầu đạt ngưỡng 80 USD/thùng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận