Cổ phiếu ‘năng lượng xanh’ lặng lẽ bứt phá
Không quá sôi động như nhóm “bank-chứng-thép” hay bất động sản..., thời gian qua, các cổ phiếu năng lượng xanh (điện gió, điện mặt trời) lặng lẽ bứt phá, tăng trưởng hàng chục phần trăm.
Là cái tên khá nổi trên thị trường chứng khoán trong lĩnh vực năng lượng điện gió, cổ phiếu BCG của Bamboo Capital có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Từ mức giá 9.470 đồng/cp vào thời điểm VN-Index tạo đáy ngày 20/7, cổ phiếu này đã liên tiếp phá đỉnh cũ và lập đỉnh mới tại mốc 25.750 đồng/cp vào phiên ngày 10/12.
Trước đó, cổ phiếu BCG chủ yếu giao dịch ở mức “trà đá”, và mức tăng 172% trong vòng 5 tháng là sự bứt phá ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử của BCG. Cùng với đó, thanh khoản của BCG cũng tăng vọt, thậm chí có phiên khớp lệnh tới gần 20 triệu cổ phiếu, trong khi trước đó chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đơn vị.
Về tình hình kinh doanh, thời gian gần đây, Bamboo Capital và BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) đã liên tục mở rộng hợp tác với nhiều đối tác uy tín trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu đạt từ 1,5GW đến 2 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2023.
Cụ thể, cuối tháng 7/2021, BCG Energy và Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã thỏa thuận về việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cụ thể là điện mặt trời. Và mới đây nhất, ngày 9/12/2021, BCG Energy tiếp tục ký hợp đồng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam với Sembcorp Utilities (công ty con trực thuộc Sembcorp Industries).
Dự báo doanh thu cả năm 2021 của BCG tăng trưởng ở mức 231,7%, riêng doanh thu mảng năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu FCN của CTCP FECON cũng thu hút nhà đầu tư khi tăng 128% trong vòng 5 tháng (từ 20/7 - 10/12/2021), chốt giá ở mức 24.550 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của FCN kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Được biết, năng lượng sạch là một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển. Công ty đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa – Hòa Đông,…
FECON dự kiến dành 340 tỷ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.220 tỷ đồng vào năm 2022.
Tương tự, cổ phiếu PC1 của Công ty Xây lắp Điện I cũng chính thức phá đỉnh lịch sử ở mốc 40.000 đồng/cp với thanh khoản duy trì ở mức cao gần 6 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 10/12.
Hiện tại, Công ty Xây lắp Điện I đang vận hành 3 dự án điện gió lớn là Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên có tổng công suất lên tới 144MW và các dự án điện gió này đã hoàn thành vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11, kỳ vọng tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 cho mảng phát điện. Bên cạnh đó, PC1 đang khảo sát các dự án điện gió tiếp theo và hoàn toàn có khả năng tự phát triển và quản lý vận hành.
Ngoài ra, các cổ phiếu như HDG (Tập đoàn bất động sản Hà Đô), REE (CTCP cơ điện lạnh), LIG (CTCP Licogi 13), TV2 (CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2),... cũng là những cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo khác có mức tăng ấn tượng trên thị trường chứng khoán.
Trong báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán VNDirect đã đưa ra đánh giá cao những các cổ phiếu của những công ty sở hữu dự án năng lượng tái tạo với mức giá FIT ưu đãi hấp dẫn và phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo như BCG, FCN,… Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể sẽ hỗ trợ một số công ty điện gió phát triển tốt trong tương lai như HDG, GEG, REE, PC1,…
Tuy nhiên, dù sức hút của ngành năng lượng tái tạo đang khá lớn trên thị trường, song đây là lĩnh vực mới chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đồng thời, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư có tỷ lệ thành công cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận