Cổ phiếu GMD tiếp tục phục hồi ngắn hạn?
Giá cổ phiếu GMD của Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) đã liên tục tăng từ đầu tháng 8 đến nay.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, giá cổ phiếu GMD tăng 0,18% lên mức 28.200đ/cp
Lợi nhuận giảm mạnh
Trong 6 tháng đầu năm 2019, GMD đạt doanh thu hơn 1.297 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn là doanh thu hoạt động khai thác cảng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong kỳ hơn 781 tỷ đồng, theo đó hệ số giá vốn hàng bán/doanh thu thuần ở mức 60%, giảm so với mức hơn 62% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hiệu quả kinh doanh của GMD đã cải thiện. Đáng chú ý, GMD đạt biên lợi nhuận khá cao, gần 40% trong 6 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của GMD trong kỳ chỉ đạt hơn 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1.546 tỷ đồng. Sở dĩ như vậy do GMD có khoản lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư gần 1.520 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, trong khi doanh nghiệp này chỉ ghi nhận khoản mục này gần 98 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Chi phí tài chính trong kỳ này gần 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoài âm hơn 24 tỷ đồng do GMD hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính hơn 114 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ hơn 214 tỷ đồng, chiếm hơn 41% lợi nhuận gộp, cho thấy khoản mục chi phí này của GMD còn khá lớn.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, GMD đạt lợi nhuận sau thuế gần 289 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Theo đó, GMD đã hoàn thành hơn 46% kế hoạch doanh thu và khoảng 57% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Cuối quý 2/2019, GMD có tổng tài sản hơn 9.934 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm lên tới 8.418 đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả của GMD chỉ ở mức hơn 3.122 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu ở mức hơn 6.811 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 46%. Trong khi đó, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh đến cuối quý 2 thực dương hơn 460 tỷ đồng. Do đó, GMD không phải chịu áp lực trả nợ lớn.
Động lực tăng trưởng
Động lực tăng trưởng chính của GMD đến từ Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1. Trong những tháng đầu năm 2019, cảng Nam Đình Vũ phục vụ 6 chuyến tàu/tuần. Theo BSC, Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 sẽ vượt kế hoạch trong năm 2019 nhưng sẽ làm giảm một phần sản lượng của 2 cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải. Trong khi đó, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào quý 3/2019 với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2020 và đạt công suất 500.000 TEUs vào năm 2022.
Việc liên doanh của GMD và tập đoàn CJ sẽ mang lại lợi ích cho GMD trong việc nâng cấp công nghệ, có thêm kinh nghiệm trong quản trị mảng logistics và giới thiệu nguồn khách hàng lớn từ phía CJ. Qua đó, GMD dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu mảng logistics trong liên doanh với CJ khoảng 20%/năm.
Trong khi đó, dự án Gemalink sẽ là dự án trọng điểm của GMD ở khu vực Cái Mép Thị Vải. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 330 triệu USD, trong đó 122 triệu USD là vốn góp của GMD (75%) và CMA - CGM (25%) và 208 triệu USD nguồn vốn vay dài hạn của Vietcombank.
Giai đoạn 1 của dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3/2020 với sản lượng dự kiến 200.000-300.000 TEUs và GMD dự kiến có lãi vào năm 2021 nếu sản lượng hàng hóa lấp đầy trên 50% công suất. Đối với giai đoạn 2 của dự án này, tổng vốn đầu tư dự kiến là 190 triệu USD với tổng diện tích là 72 ha, tổng sản lượng dự kiến có thể đạt là 2,4 triệu TEUs/năm.
Hiện tại, GMD đang đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, GMD chịu áp lực cạnh tranh cao. Thứ hai, GMD sẽ chịu gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí khấu hao lớn do đầu tư các cảng mới. Thứ ba, ngành cảng biển Việt Nam đối mặt với những rủi ro do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng tiêu cực tới giao thương hàng hóa thế giới.
Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ khiến chiến tranh thương mại giữa 2 quốc gia này leo thang nên nấc thang mới, làm tăng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hơn nữa, các FTA cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này hỗ trợ tích cực cho GMD.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, giá cổ phiếu GMD tăng 0,18% lên mức 28.200đ/cp, với khối lượng giao dịch 751.000 cổ phiếu, so với mức bình quân trong 1 tháng qua khoảng hơn 837.000 cổ phiếu.
Giá cổ phiếu GMD đã giảm mạnh từ mức 35.000đ/cp vào đầu năm 2018 xuống 21.000đ/cp vào giữa năm 2018, và đã phục hồi trong những phiên giao dịch vừa qua.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, RSI, Stochastic… cho thấy GMD đang chịu áp lực điều chỉnh nhẹ. Nếu vẫn trụ vững trên 25.000đ/cp, thì GMD sẽ tiếp tục tăng và thách thức 30.000-40.000đ/cp trong ngắn hạn. Ngược lại, GMD có thể giảm xuống vùng 20.000đ/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận