Cổ phiếu FTM cầm cố tại BIDV ‘bốc hơi’ hơn 80% giá trị
Hai cha con ông Lê Mạnh Thường và bà Lê Thùy Anh đã/từng thế chấp hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu FTM tại BIDV - chi nhánh Bắc Hà Nội.
Quá trình hình thành và phát triển của một doanh nghiệp luôn có sự song hành từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, FTM cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bắc Hà Nội là đối tác tín dụng quen thuộc không những với CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân, mà còn với các lãnh đạo FTM.
Cụ thể, bà Lê Thùy Anh (hiện là Thành viên HĐQT FTM) – con gái cựu Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường, vào đầu năm 2017, đã đem thế chấp 1,6 triệu cổ phiếu FTM với giá trị định giá là 19.000đồng/CP, tương đương tổng giá trị định giá là 30,4 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm, chưa rõ cụ thể khoản vay này của bà với BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội đã được tất toán hay chưa, chỉ biết bà Lê Thùy Anh tiếp tục thế chấp tại ngân hàng này gần 9,2 triệu cổ phiếu của FTM với giá trị định giá vẫn là 19.000đ/CP, tương đương tổng giá trị định giá hơn 174 tỷ đồng.
Theo tính toán cơ học của Nhadautu.vn, tổng khối lượng cổ phiếu thế chấp của bà Lê Thùy Anh bằng đúng số cổ phiếu hiện tại bà đang nắm giữ (10.766.500 cổ phiếu). Đồng nghĩa, định giá tổng số cổ phiếu này phải hơn 200 tỷ đồng.
Tuy vậy, với sự chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tục của FTM, tổng giá trị khối tài sàn này đã giảm hơn 80%, tương đương chỉ còn vỏn vẹn hơn 40 tỷ đồng.
Không chỉ bà Lê Thùy Anh, cha bà – ông Lê Mạnh Thường, cựu Chủ tịch HĐQT FTM từng thế chấp phần vốn góp tại FTM và CTCP Tập đoàn Đại Cường tại chính BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội. Ngoài ra, ông cũng từng cầm cố một số tài sản khác tại chi nhánh ngân hàng trên, như: Xe ô tô con Landrover - loại Ranger Rover Autobiography, ô tô con LandRover.
Được biết, tính đến ngày 30/6/2019, BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội cũng chính là chủ nợ lớn nhất của FTM (386,5 tỷ đồng), xếp sau là VDB Thái Bình (304,2 tỷ đồng).
Cụ thể, xét về vay ngắn hạn, FTM đang vay tổng cộng 476,6 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn (bằng VND) 181,2 tỷ đồng của BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội; vay bằng đồng USD từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội và VPBank lần lượt 136,1 tỷ và gần 29 tỷ đồng.
Được biết, doanh nghiệp dùng nhiều tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay trên, như: máy móc thuộc dây chuyền sản xuất 1.740 tấn, kho vật liệu phụ, hợp đồng thế chấp quyền sở hữu căn hộ ngày 13/6/2016 ký giữa ông Lê Mạnh Thường, bà Bùi Thị Hằng và các ngân hàng.
Xét về các khoản vay dài hạn, công ty nợ 60 tỷ đồng tại VDB – chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng (bằng VND) và 8,5 tỷ đồng (bằng USD) tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.
FTM cũng kế thừa 3 khoản vay dài hạn từ CTCP Tập đoàn Đại Cường. Đó là các khoản vay 244,2 tỷ đồng từ VDB – chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng (vay bằng VND) và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.
Tài sản thế chấp cho các khoản vay dài hạn là Nhà máy Đức Quân 2 (công suất 4/500 tấn/năm) của FTM, được hình thành sau đầu tư từ vốn tự có và vốn vay của VDB – chi nhánh Thái Bình. Tài sản thế chấp khác của công ty tương đương tối thiểu 10% tổng số vốn vay để đảm bảo tiền vay, dự án đầu tư xây dựng nhà máy Đại Cường 5 (công suất 8.700 tấn/năm).
Với các khoản vay dài hạn tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội, FTM thế chấp nhà máy Đức Quân 2 và các tài sản nhà xưởng, máy móc thiết bị của phân xưởng PE thuộc nhà máy Đại Cường 1.
Đến cuối kỳ, FTM đang có 130 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả. Trong đó, 20,6 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội và 8,5 tỷ đồng cũng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội (bằng đồng USD); Và một số khoản vay kế thừa đến hạn trả từ CTCP Tập đoàn Đại Cường, như: 40,5 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận