menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bình Minh

Cổ phiếu dược - 'mồi ngon' cho các nhà đầu tư ngoại?

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực thâu tóm cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của các công ty dược Việt Nam. Thậm chí, có nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu ở mức “đỉnh” để thực hiện được mục tiêu của mình.

Stada Service Holding B.V (Stada) - một công ty con của Tập đoàn dược phẩm Đức Stada Arzneimittel AG, tiếp tục chào mua nốt 0,47% cổ phiếu PME (CTCP Pymepharco) còn lại trôi nổi trên thị trường với giá 85.000 đồng/cp để nâng mức sở hữu tại Pymepharco lên 100%. Đây là mức giá lịch sử của cổ phiếu này sau 5 năm niêm yết trên HoSE.

Cổ phiếu dược - 'mồi ngon' cho các nhà đầu tư ngoại?

Diễn biến giá của cổ phiếu PME.

Lãnh đạo Stada từng chia sẻ mục tiêu của việc thâu tóm PME là bởi họ xem Việt Nam như một trung tâm sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các công ty con của tập đoàn tại khu vực ASEAN trong tương lai.

Stada đã tham gia đầu tư vào Pymepharco từ năm 2008 và sau đó trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này. Hiện, tổng sở hữu của Stada và bên liên quan đã lên đến 99,53% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Pymepharco.

Hệ quả của việc để Stada nắm giữ lượng cổ phiếu lên đến trên 99% là tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Pymepharco đã thông qua kế hoạch hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy niêm yết trong năm 2021.

Pymepharco được thành lập vào năm 1989 tại tỉnh Phú Yên với nhiệm vụ sản xuất dược phẩm, kinh doanh thuốc và vật tư thiết bị y tế.

Đầu tháng 10/2003, nhà máy dược phẩm Pymepharco đạt tiêu chuẩn GMP chính thức đi vào hoạt động với 3 phân xưởng Beta-lactam, Non-Beta lactam, viên nang mềm. Doanh nghiệp này còn là nhà sản xuất nhượng quyền cho các sản phẩm kháng sinh Cephalosporin của các công ty dược phẩm như Orchid - Ấn Độ, Samchun Dang - Hàn Quốc… và đặc biệt là công ty mẹ Stada Arzneimittel AG.

Đến ngày 30/9/2021, công ty dược phẩm này có tổng tài sản 2.777 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 1.604 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 1.173 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của PME đi ngang trong quý III/2021 với doanh thu 468 tỷ đồng và lãi ròng 79 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty báo lãi ròng đạt 244 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Nhiều công ty dược khác cũng đang trong “tầm ngắm”

Không chỉ có PME, Dược Hậu Giang (DHG) hiện cũng chính thức trở thành công ty con của Taisho – một công ty dược của Nhật Bản. Taisho đang nắm giữ 51% cổ phẩn của DHG từ đầu năm 2019.

Trong lần chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết sự hỗ trợ từ Taisho sẽ có tác động rõ nét hơn đến diễn biến kinh doanh chỉ bắt đầu từ năm 2022 trở đi. Trong đó, Taisho sẽ hỗ trợ Dược Hậu Giang trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho. Ví dụ, Dược Hậu Giang có kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc an thần, tiểu đường, tim mạch và tiêu hóa theo tiêu chuẩn PMDA (tiêu chuẩn thực hành sản xuất dược phẩm của Nhật Bản), là một trong các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất trên toàn cầu.

Cổ phiếu dược - 'mồi ngon' cho các nhà đầu tư ngoại?
Tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại các công ty dược hiện nay.

Cũng với tỷ lệ sở hữu lên đến 51%, Domesco (DMC) - một công ty dược được xếp vào dạng tầm cỡ ở Việt Nam cũng sớm có cổ đông chiến lược là Tập đoàn Abbott – CFR International Spa. Ngoài ra, Tập đoàn Abbott còn mạnh tay mua lại công ty dược phẩm Glomed – một công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2016.

Bên cạnh DHG, DMC thì những doanh nghiệp dược khác như Traphaco (TRA); Dược phẩm Hà Tây (DHT)… cũng có cổ đông chiến lược là các tổ chức nước ngoài với tỷ lệ sở hữu dưới 43%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp dược Việt Nam trở thành đích ngắm thâu tóm của các nhà đầu tư ngoại là do thị trường dược Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng và hấp dẫn nhất trong khu vực. Kinh tế phát triển, thu nhập tăng, dân số già hóa, đi cùng các vấn đề về sức khỏe phát sinh khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng… thúc đẩy ngành dược phát triển.

Hiện, thị trường dược phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD. Fitch Solution dự báo tăng trưởng ngành dược Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 8,7%; theo nghiên cứu thị trường IBM thậm chí đạt mức 11% trong giai đoạn 2021-2026, độ lớn thị trường dự tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Có thể thấy, sức hấp dẫn của các công ty nội địa ngành dược đối với các nhà đầu tư ngoại đến từ việc dư địa tăng trưởng của thị trường ngành tại Việt Nam đang còn lớn, thể hiện phần nào qua làn sóng M&A mạnh mẽ thời gian vừa qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại