Cổ phiếu DN xuất khẩu tôm nào đang “sáng” nhất ngành thủy sản?
Năm 2021, toàn ngành tôm đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.
Số liệu ước tính sơ bộ từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 72,4 nghìn tấn tôm với trị giá đạt 651 triệu USD, tăng 2,61% về lượng và tăng 4,78% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam được tới 45 thị trường và hai khu vực thị trường Châu Âu (EU) và ASEAN; trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Triển vọng các DN xuất khẩu tôm "sáng nhất" ngành thủy sản
Theo thống kê, kết quả sơ bộ quý 1/2021 của các DN ngành tôm đều khá sáng sủa. Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), kết thúc quý I/2021, doanh nghiệp này ghi nhận sản lượng tôm chế biến đạt 3.688 tấn, bằng 132% so với cùng kỳ năm trước. Tôm thành phẩm tiêu thụ chung đạt 3.850 tấn, bằng 135% so với quý I/2020. Doanh thu chung đạt 42,3 triệu USD, bằng 135% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, so cùng kỳ, mặc dù ngành tăng trưởng dưới 10%, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh số trên 30%.
Hiện tại, ở mảng nuôi tôm, FMC sẽ giữ vững diện tích nuôi 270ha, phấn đấu tự chủ 25-30% nguyên liệu và nỗ lực tăng thêm 100ha nuôi tôm trong thời gian tới.
Chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1 nhưng "vua tôm" Minh Phú (UpCOM: MPC) cũng chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể, Minh Phú dự kiến sản lượng sản xuất năm 2021 đạt 61.500 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 638 triệu USD. Doanh thu năm 2021 theo kế hoạch là 15.774,9 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng thu về 1.572 tỷ đồng, dự kiến tăng trưởng ở mức 106%.
Tính đến cuối năm 2020, Minh Phú đã nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao và đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600ha) và Minh Phú Lộc An (300ha).
Ngoài ra, Minh Phú đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực ĐBSCL với nhiều mô hình nuôi tôm bền vững như: 100.000ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn cùng hơn 10.000ha diện tích nuôi tôm - lúa…
Song, "đáng nể" nhất trong ngành tôm lại là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex). Theo đó, năm 2020, sản lượng thành phẩm công ty sản xuất được hơn 24.320 tấn, vượt 24% so với kế hoạch và tăng 31% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt tới 296 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng).
Bước sang năm 2021, doanh nghiệp này tiếp tục đặt kế hoạch sản lượng thành phẩm sản xuất 32.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, lợi nhuận 400 tỷ đồng.
Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng trưởng dương hai con số nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường ở Bắc Âu cũng tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2020.
Cổ phiếu ngành tôm hấp dẫn
Từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu ngành tôm đã bứt phá mạnh so với thị trường chung. Trong đó tăng mạnh nhất phải kế đến cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC).
Từ mức giá 29.000 đồng/CP hồi đầu năm, hiện MPC đã tăng lên vùng giá 37.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại. Cổ phiếu "vua tôm" tăng mạnh thời gian qua đến từ việc trong những ngày trung tuần tháng 2 vừa qua, Minh Phú được Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) hủy bỏ quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ.
Cụ thể, quyết định ngày 11/2/2021 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá mà đã phải tạm nộp trước đó theo quyết định ngày 13/10/2020.
Cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng tăng khá tốt khi thị giá của mã chứng khoán này đang ở vùng giá "đỉnh" 35.000 đồng/CP, tăng hơn 30% so với thời điểm cách nay 1 năm. Hiện công ty tại Sóc Trăng có vốn hóa hơn 2.000 tỷ đồng.
Năm 2021, VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%). Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau dịch Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.
Theo SSI Research, các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ, với lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng), và tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.
Được biết, cả năm 2020, xuất khẩu của ngành thủy sản đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng tôm xuất khẩu đạt 3,78 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 12,4%. Như vậy, mặc dù có những thời điểm trồi sụt thất thường trong năm vì dịch bệnh, thị trường xuất khẩu tôm đã trở thành điểm sáng của ngành xuất khẩu thủy sản năm 2020…
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm khoảng 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng khoảng 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy hiện cả nước có hơn 200.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000ha.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận