Cổ phiếu CVT duy trì được đà tăng ngắn hạn?
Cổ phiếu CVT của Công ty Cổ phần CMC (HoSE: CVT) vẫn đang tiếp tục nằm trong kênh tăng giá ngắn hạn từ tháng 6/2019 đến nay.
CVT chuyên sản xuất, kinh doanh các loại gạch ốp lát ceramics, gạch ốp lát granit và ngói. Trong đó, gạch ceramics chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng sản lượng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của CVT đạt hơn 578 tỷ đồng, giảm khoảng hơn 0,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng suy giảm khi hệ số giá vốn hàng bán/doanh thu thuần tăng lên mức 81% so với mức gần 78% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, biên lợi nhuận gộp của CVT đã giảm mạnh từ hơn 22% trong 6 tháng đầu năm ngoái xuống còn 18% trong 6 tháng đầu năm nay, chủ yếu do giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hơn 24 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ, nhưng chỉ chiếm 22% lợi nhuận gộp, cho thấy CVT tiết giảm và quản lý khá tốt khoản mục chi phí này.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, CVT ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng, giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
CVT có 2 nhà máy sản xuất gạch ốp lát là CMC1 và CMC2, trong đó giai đoạn 4 của nhà máy CMC2 dự kiến hoàn thành vào cuối quý III/2019, được kỳ vọng sẽ làm tăng cơ cấu các dòng sản phẩm mới có biên lợi nhuận cao như granite thấm muối tan, granite men vi tinh kim cương…
CVT có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ sản phẩm đa dạng với 200 mẫu mã khác nhau. Điều này giúp CVT có biên lãi gộp cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Hiện nay đa số các doanh nghiệp trong ngành đã hoạt động hết công suất, cùng với rào cản gia nhập thị trường khắt khe khi công suất tối thiểu của mỗi nhà máy để được cấp phép mới là 6 triệu m2/năm với công nghệ lò Tuynen. Theo đó, việc CVT tập trung đầu tư vào dòng sản phẩm mới có tính khác biệt cao sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của mình.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản nói chung và thị trường xây dựng nói riêng đã và đang có dấu hiệu chững lại, trong khi các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lại tăng công suất, khiến áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đối với CVT.
Các đối thủ cạnh tranh chính của CVT gồm Viglacera, Đồng Tâm, Prime… Bên cạnh đó, các sản phẩm gạch ốp lát giá rẻ được nhập từ Trung Quốc cũng là đối thủ đáng gờm của CVT.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nguồn nhiên liệu từ khí than sang nhiên liệu đốt LPG làm tăng chi phí nguyên vật liệu và giảm biên lợi nhuận gộp của CVT. Cụ thể trong quá trình sản xuất, việc sử dụng lò đốt than gây ô nhiễm môi trường, trong khi giá than lại liên tục tăng. Do đó, CVT đã có kế hoạch chuyển đổi lò đốt than sang lò đốt bằng LPG hoặc CNG với chi phí ước tính tăng thêm khoảng 10%.
Ngoài ra, tồn kho của CVT duy trì ở mức cao, khoảng hơn 545 tỷ đồng đến cuối quý II/2019, chiếm khoảng 41,5% tổng tài sản, trong khi nhu cầu thị trường có xu hướng giảm. Điều này đặt ra thách thức khá lớn đối với CVT.
Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu CVT giảm gần 4,6% với khối lượng giao dịch bình quân 234.000 cổ phiếu/phiên. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu này tăng gần 14% với khối lượng giao dịch bình quân 175.000 cổ phiếu/phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 13/9, giá cổ phiếu CVT tăng 1,71% lên mức 20.850đ/cp.
CVT vẫn đang nằm trong kênh tăng giá ngắn hạn từ tháng 6/2019. MACD, Stochastic, ADC… vẫn đang phân kỳ dương, cho thấy tín hiệu tiếp tục phục hồi của CVT.
Theo đó, nếu CVT vẫn ổn định trên mức 18.000đ/cp, thì kênh tăng giá này vẫn được duy trì. Trường hợp không vượt qua 23.000đ/cp, thì CVT sẽ điều chỉnh giảm trở lại. Tuy nhiên, nếu vượt qua mức này, CVT có thể hướng tới vùng 25.000- 28.000đ/cp. Nhà đầu tư cần tính toán lại chiến lược đầu tư khi CVT giảm xuống dưới 18.000đ/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận