Cổ phiếu của doanh nghiệp thép tăng bình quân 70% từ đầu năm đến nay
Có thể nói, trong quý I/2021 vừa qua được xem là thời của nhóm cổ phiếu thép khi cổ phiếu của nhóm này liên tục tăng mạnh.
Kết quả kinh doanh vượt trội
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến phiên 14.5, các cổ phiếu trong ngành thép đều đạt mức tăng vượt trội so với thị trường chung.
Tiêu biểu như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên(mã TLH) hay cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim(mã NKG) với đà tăng lần lượt 164% và 104%. CTCP Thép Nam Kim(HOSE:NKG). Các cổ phiếu khác như cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát(mã HPG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen(mã HSG); Công ty Thép Việt Nam (mã TVN);... cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 50% về thị giá.
Phía sau đà tăng phi mã về cổ phiếu của các doanh nghiệp thép là kết quả kinh doanh quý I/2021 vô cùng khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bằng lần trong quý I/2021. Tiêu biểu như Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) ghi nhận hơn 394 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2011, gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình kết quả kinh doanh, Thép Việt Nam cho biết quý đầu tiên của năm 2021 thị trường thép tiếp tục đà tăng giá từ cuối năm 2020 làm lợi nhuận các công ty trong khối liên doanh, liên kết tăng mạnh. Trong khi đó, doanh thu thuần trong quý I/2021 cũng tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ đã tạo nên một quý kinh doanh vượt trội so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên(TLH) cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vô cùng ấn tượng. Trong quý I/2021, Công ty đạt hơn 120 tỉ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 30,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ so với quý cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn hàng bán giảm đã giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh trong kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi chi phí tài chính giảm hơn 50% trpong kỳ cũng đóng góp đáng kể trong kết quả kinh doanh vượt bậc của Thép Tiến Lên trong quý I/2021 vừa qua.
Bên cạnh 2 cái tên kể trên 3 ông lớn trong ngành thép bao gồm Tập đoàn Hòa Phát(HPG); Thép Nam Kim(NKG) và Tập đoàn Hoa Sen(HSG) cũng đạt mức tăng trưởng lần lượt 204%; 668,3% và 414,8% về lợi nhuận sau thuế trong quý I/2021 (đối với Hoa Sen là quý II/2021).
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành thép cũng thoát lỗ ngoạn mục trong quý đầu tiên của năm 2021, tiêu biểu như Thép Pomina(POM) ghi nhận mức lãi sau thuế hơn 75 tỉ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 56 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.
Giá thép tăng nóng
Thời gian qua, doanh nghiệp sử dụng các loại vật liệu thép đang gặp khó khi giá thép tăng tới 45% kể từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đề xuất kiểm tra việc giá thép tăng phi mã gần đây, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) đặt nghi vấn về sự bắt tay của các công ty thép để đẩy giá thép.
Theo Bộ Công thương, “nghi vấn này không có cơ sở”. Giá thép tăng mạnh là do nguyên liệu đầu vào của ngành thép trong nước đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Trong khi đó, thời gian gần đây, cung ứng nguyên liệu sản xuất thép lại đang bị gián đoạn do COVID-19, nên doanh nghiệp không thể tăng sản xuất. Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020, được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
SSI Research ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.
Về dài hạn, SSI Research cho biết họ khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép. Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Ngoài ra, các công ty như Hòa Phát có thể tận dụng tối đa nguồn cung thép cuộn cán nóng trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận