Cổ phiếu chu kì và kiến thức đầu tư cần biết
Chốt phiên 27/10, Dow Jones, S&P 500 giảm, Nasdaq đi ngang. Trong đó cổ phiếu Microsoft tăng 4,21% đạt đỉnh kỷ lục sau khi có kết quả kinh doanh năm mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ kinh doanh đám mây và được xem như lực đẩy chính của cả ba chỉ số trên. Và khi đường cong lợi suất duỗi thẳng đã khiến lĩnh vực tài chính suy giảm, lúc này hàng loạt bài báo trên toàn thế giới đã giật tít “Phố Wall ảnh hưởng bởi cổ phiếu chu kỳ”.
Vậy chính xác cổ phiếu chu kỳ là gì? Đóng vai trò gì trong doanh mục đầu tư? Làm thế nào để đầu tư cổ phiếu chu kỳ có lời? Hãy cùng 24hmoney tìm hiểu ngay sau đây!
Khái niệm về cổ phiếu chu kỳ
Cổ phiếu chu kỳ (tiếng Anh: Cyclical Stock) là cổ phiếu có giá bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ kinh tế vĩ mô hoặc có hệ thống trong toàn bộ nền kinh tế tổng thể. Nhóm này thường được biết đến là vì tuân theo các chu kỳ của mỗi nền kinh tế như mở rộng, đạt đỉnh, suy thoái và phục hồi.
Hầu hết cổ phiếu chu kỳ liên quan đến các công ty kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu vốn được mua nhiều khi kinh tế phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, người tiêu dùng sẵn sàng chọn chi tiêu ít hơn hoặc thậm chí cắt giảm chúng nếu đang trong một thời kỳ suy thoái.
Từ khái niệm phía trên, ta có thể rút ra đặc trưng của cổ phiếu chu kỳ sẽ bao gồm:
- Bị ảnh hưởng bởi thay đổi của kinh tế vĩ mô
- Lợi nhuận tuân theo chu kỳ của một nền kinh tế
- Trái ngược với cổ phiếu phòng thủ. Nói đơn giản, cổ phiếu chu kỳ thường liên quan đến các mặt hàng tiêu dùng tuỳ ý như bán lẻ, thời trang, xe hơi… trong khi đó cổ phiếu phòng thủ sẽ là Petrolimex, REE, dược phẩm Traphaco…
- Thường có biên độ dao động lớn và luôn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn ở thời điểm kinh tế vững mạnh.
Tương tự như các loại cổ phiếu khác, cổ phiếu chu kỳ vẫn tồn tại hai mặt ưu và nhược điểm mà nhà đầu tư cần nắm vững trước khi “xuống tiền” như:
- Ưu điểm:
Tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ khi nền kinh tế đang ở thời kỳ mở rộng và phát triển để đạt đỉnh. Tuy thị giá sẽ giảm vào kỳ suy thoái nhưng nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro phù hợp vẫn có thể được hưởng lợi.
Theo Kevin Matthew II (Top 100 tư vấn viên của Investopedia), các cuộc suy thoái chỉ xảy ra mỗi thập kỷ một lần, kéo dài trung bình 18 tháng. Nếu nhà đầu tư có khả năng chịu đựng sự biến động có thể đạt nhiều chiến thắng đáng ngưỡng mộ.
- Nhược điểm:
+ Khó xác định được thời điểm mua vào và bán ra phù hợp do dự đoán chu kỳ nền kinh tế không phải điều mà ai cũng làm được.
+ Rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ do tham gia áp dụng sai chiến lược Market Timing (chọn đúng thời điểm thị trường)
+ Nhà đầu tư dễ mất bình tĩnh khi tính toán thị trường từ đó dẫn đến việc bán thấp, mua cao thay vì duy trì ổn định theo xu hướng.
Cách phân biệt cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu không chu kỳ
Cổ phiếu chu kỳ
- Là nhóm cổ phiếu hoạt động theo chu kỳ của nền kinh tế nói chung nên giá bán rất dễ biến động, giá tăng khi kinh tế phát triển, giá giảm khi kinh tế suy thoái là điều bình thường.
- Tuân theo tất cả chu kỳ của nền kinh tế từ mở rộng, đạt đỉnh, suy thoái và phục hồi
- Thường đến từ các công ty như nhà hàng, khách sạn, hàng không, nội thất, bán lẻ thời trang cao cấp, sản xuất ôtô… vốn là những hàng hoá, dịch vụ bị cắt giảm đầu tiên nếu kinh tế khó khăn.
- Khi kinh tế “lao dốc” người tiêu dùng hạn chế chi tiêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, thậm chí nhiều công ty phải ngừng hoạt động nếu khủng hoảng kéo dài
- Nhà đầu tư có thể nhìn thấy cơ hội đầu tư tại cổ phiếu chu kỳ nhưng rất ít người có thể thích ứng được vì rất khó để dự đoán nền kinh tế.
Cổ phiếu không chu kỳ
- Là nhóm cổ phiếu vẫn có thể tăng giá tốt khi nền kinh tế tăng trưởng chậm
- Ít bị phụ thuộc vào xu hướng kinh tế do đến từ những công ty sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, khí đốt, điện, nước….
- Còn được gọi là cổ phiếu phòng thủ vì chúng có thể “bảo vệ” nhà đầu tư trước tác động của suy thoái kinh tế và là “bến đỗ” an toàn cho dòng tiền giữa thời kỳ khó khăn. Ví dụ sản phẩm như dầu gội, xà phòng, kem đánh răng, chén dĩa… thoạt nhìn có thể không cần thiết nhưng chẳng thể cắt giảm ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể đợi 1 năm để mua xe hơi, đi du lịch nhưng chẳng thể chờ đến 365 ngày để được tắm gội có xà phòng, sữa tắm.
Tại đây sẽ phát sinh một câu hỏi: “Vậy cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu không chu kỳ ( cổ phiếu phòng thủ) có mối liên hệ gì với nhau hay không?
Mối quan hệ giữa cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu phòng thủ
Nhóm cổ phiếu phòng thủ thường ổn định khi kinh tế suy thoái trong khi cổ phiếu chu kỳ lại có xu hướng tăng trưởng mạnh khi kinh tế phát triển. Điều này đã hình thành mối quan hệ giữa hai nhóm cổ phiếu này và là “nền tảng” tạo sự tăng trưởng vững vàng trong dài hạn, quản lý được sự biến động, hạn chế thiệt hại từ rủi ro. Nói cách khác, cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu phòng thủ nếu được áp dụng song song sẽ làm nên một danh mục đầu tư khá lý tưởng, đáng để cân nhắc.
Những ngành thường có cổ phiếu chu kỳ
Nếu cổ phiếu phòng thủ đến từ lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm y tế, phân phối điện, khí đốt và nước thì cổ phiếu chu kỳ thường xuất hiện ở các ngành như:
- Phân phối, sản xuất lắp ráp ô tô: Ví dụ như VMA, TMT, GGG, HAX...
- Xây dựng: Ví dụ như CC1, CTD, ROS, ACC...
- Hãng hàng không: Ví dụ như VJC, SGN, AVC, SAS, VTR…
- Khách sạn, nhà hàng, du lịch: Ví dụ như DAH, BSC, SGH, DSN…
- Hàng dệt may, xa xỉ phẩm: Ví dụ như VGT, VTN, DM7, HCB...
Đặc điểm nổi bật của nhóm ngành có cổ phiếu chu kỳ là cung cấp sản phẩm, dịch vụ thường được chi tiêu rất mạnh khi kinh tế phát triển và sẽ bị hạn chế đầu tiên khi bước vào thời kỳ suy thoái. Chẳng hạn người tiêu dùng có thể bỏ ra 4 triệu đồng để sở hữu đôi giày Nike lúc bình thường nhưng thời điểm Covid-19 ập tới, lương bị cắt giảm từ 25-40% thì đó không còn là lựa chọn hàng đầu của họ nữa.
Vai trò của cổ phiếu chu kỳ trong doanh mục đầu tư
Tuy bị xem là rủi ro, biến động nhiều nhưng cổ phiếu chu kỳ vẫn là “sân chơi” của đông đảo khách mua vì tiềm năng tăng trưởng lớn, thậm chí có thể vượt hơn mặt bằng chung của thị trường trong khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy nếu nhà đầu muốn sự tăng trưởng dài hạn và đủ khả năng kiểm soát biến động, tâm lý vững vàng trước thị trường sẽ lựa chọn cổ phiếu chu kỳ song hành cùng cổ phiếu phòng thủ trong danh mục đầu tư. Một “nước cờ” thường thấy là họ sẽ sử dụng những quỹ giao dịch trao đổi (ETF) để tiếp xúc với cổ phiếu chu kỳ trong thời kỳ kinh tế mở rộng.
Làm thế nào để đầu tư cổ phiếu chu kỳ có lời?
Tổng kết lại từ những thông tin phía trên, đầu tư cổ phiếu chu kỳ tuy sinh lời hấp dẫn nhưng chẳng dễ để thích ứng. Đầu tiên, đây là nhóm cổ phiếu dành cho nhà đầu tư am hiểu nền kinh tế, tâm lý vững, chấp nhận rủi ro và thực sự nhanh nhạy trước thị trường. Có như vậy, họ mới có thể tận dụng được lợi thế từ tính chu kỳ, mua vào bán ra hợp lý. Tiếp theo đó, quý vị chỉ nên xem cổ phiếu chu kỳ như một phần trong danh mục đầu tư chứ không nên mạo hiểm “bỏ hết trứng vào một rổ” hoặc cân nhắc sử dụng quỹ giao dịch trao đổi ETF. Cuối cùng đừng nên chạy theo thị trường hay số đông, thay vì cố chấp đầu tư cổ phiếu chu kỳ như “người ta”, quý vị nên lùi lại xem xét những lựa chọn nếu bản thân chưa đủ kinh nghiệm, chuyên môn, tâm lý lẫn sự chấp nhận rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận