Cổ phiếu BĐS Khu công nghiệp nổi sóng: Vụt sáng nhất thời hay khởi đầu cho một xu hướng?
Gần như nằm ngoài cuộc chơi từ đầu năm, phần lớn các cổ phiếu nhóm KCN đều chưa về lại vùng đỉnh, thậm chí một số cổ phiếu như NTC, SIP, PHR, SNZ, KBC, IDC,... còn giảm khá sâu.
Sau một thời gian có phần “im hơi lặng tiếng”, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (KCN) bất ngờ nổi sóng trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng loạt NTC, SIP, PHR, BCM, LHG, SNZ, SZL, SZC, DTD,... đều tăng mạnh, đặc biệt GVR, KBC, IDC, D2D còn tăng hết biên độ trong phiên 16/6.
Dù vậy, gần như nằm ngoài cuộc chơi từ đầu năm, phần lớn các cổ phiếu nhóm KCN đều chưa về lại vùng đỉnh. Thậm chí, một số cổ phiếu như NTC (-22%), SIP (-21%), PHR (-20%), SNZ (-24%), KBC (-17%), IDC (-17%), D2D (-10%)... còn giảm khá sâu so với mức giá cao nhất từng ghi nhận từ đầu năm 2021.
Khó có thể dự báo con sóng bất động sản KCN sẽ kéo dài bao lâu hay chỉ là sự vụt sáng nhất thời trong thời điểm dòng tiền luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận triển vọng lạc quan của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.
Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng nhóm KCN phát triển nhờ nhu cầu cao từ dòng vốn FDI và việc mở rộng cơ sở sản xuất từ các nhà đầu tư ở Việt Nam.
Theo báo cáo của JLL, giá thuê trung bình trong quý 1/2021 đạt 107 USD/m2/kỳ hạn thuê ở miền Bắc và 111 USD/m2/kỳ hạn ở miền Nam, tăng trưởng lần lượt 8,1% và 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cho thuê nhà xưởng xây sẵn (RBF) cũng tăng 5,8% so với cùng kỳ ở miền Bắc và 3,1% so với cùng kỳ ở miền Nam. Việc tăng giá mạnh của giá thuê nhà xưởng miền Bắc nhờ nhu cầu cao của nhóm khách hàng công nghệ cao.
Hệ quả được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh của nhóm KCN trong quý đầu năm. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp ngành bất động sản KCN đều lần lượt tăng trưởng 27% và 106% so với cùng kỳ.
PHS cho rằng việc tăng giá mạnh ở khu vực miền Nam tạo lợi thế cho các công ty phát triển có giá đền bù thấp cùng với quỹ đất lớn. Mặt khác, diện tích đất lớn ở phía Bắc được phê duyệt sẽ hỗ trợ cho các nhà phát triển khu công nghiệp có kinh nghiệm lớn cùng với tệp khách hàng lớn.
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 326 khu công nghiệp (KCN) trong đó 284 KCN đang hoạt động với diện tích vào khoảng 57.100 ha và các KCN còn lại thì đang trong giai đoạn phát triển. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN ở Việt Nam là 74%, tương đương với năm 2019.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, có 29 KCN mới được phê duyệt để phát triển với tổng diện tích là gần 7 nghìn ha. Khu vực phía Bắc với gần 4.500 ha được phê duyệt do nhu cầu cao từ các khách hàng công nghệ cao. Tất cả những KCN được phê duyệt đều nằm ở những trung tâm CN ở phía Bắc và Nam Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận